Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ














Lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái): Đậm đà bản sắc văn minh sông Hồng

Đình Trà Cổ, thuộc phường Trà Cổ (Móng Cái), từ lâu vẫn được coi như cột mốc văn hoá nơi biên ải. Nằm ở ven biển, giáp biên giới với Trung Quốc, chịu sự tác động của giao thoa văn hoá, nhưng về kiến trúc, đình Trà Cổ vẫn mang đậm các giá trị thuần Việt; Lễ hội đình Trà Cổ vẫn giữ được những nét sinh hoạt văn hoá dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng...

Cột mốc văn hoá Việt

Theo các tư liệu lịch sử là thần tích, sắc phong thì đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461). Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu (và hiện đang được trùng tu quy mô lớn) nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng thời Lê, đó là các trang trí rồng, phượng trên cốn, cột, đầu bẩy. Đặc biệt, đình Trà Cổ là ngôi đình duy nhất của Quảng Ninh còn giữ được hệ thống ván sàn (giống như đình Bảng, Bắc Ninh) - kiểu kiến trúc đình phổ biến thời Lê. Ván đình cao cách mặt nền 0,4m, bưng kín bằng những bức chạm trổ.
Hành trình lễ rước thần trong lễ hội đình Trà Cổ đi qua “bãi biển trữ tình nhất Việt Nam”.
Hành trình lễ rước thần trong lễ hội đình Trà Cổ đi qua “bãi biển trữ tình nhất Việt Nam”.
Đình Trà Cổ gồm tiền đường có 5 gian, 2 chái; hậu cung có 3 gian. Bên trong đình có 48 cột cái và cột quân bằng gỗ lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi tám chữ: “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài). Đề tài trang trí trên các cấu kiện gỗ của đình rất phong phú và đa dạng với các hình rồng chầu mặt trời, rồng hoá mây, cá chép hoá rồng, hình hoa lá, mây xoắn... Tất cả được những người thợ xưa thể hiện rất công phu, tài nghệ, mang đậm nét văn hoá cổ truyền của người Việt Nam.

Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn. Tương truyền, vào đầu thế kỷ 16, có 12 hộ dân chài từ Đồ Sơn đi đánh cá bị giông tố mà dạt đến đất này. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được khó khăn nơi đây nên đã quay về, còn 6 gia đình ở lại lập nghiệp. Chuyện thú vị, những người quay trở về Đồ Sơn bảo rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì. Lộc sung thì chát, lộc si thì già” còn 6 hộ ở lại Trà Cổ đã động viên nhau: “Ở đây vui thú non tiên. Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. 6 hộ ở lại chính là những tiên công lập nên làng Trà Cổ và đang được thờ trong đình. Tên gọi Trà Cổ được giải thích là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) - là đất phát tích của nhà Mạc vào đầu thế kỷ 16. Người Trà Cổ có câu “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” lưu truyền qua các thế hệ chính là răn dạy con cháu nhớ đến gốc gác tổ tiên của mình.
Trang trí rồng, mây lửa đặc trưng thời lê trên đầu bẩy đình Trà Cổ.
Trang trí rồng, mây lửa đặc trưng thời lê trên đầu bẩy đình Trà Cổ.
Các sách địa chí cổ chép dân Đồ Sơn xưa thường mạnh tợn, uống rượu khoẻ. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió thường xuyên phải đối mặt với bọn cướp bể, rồi giặc ngoại xâm, dân Đồ Sơn thường phải tự bảo vệ xóm làng, tự bảo vệ tính mạng. Chẳng biết có phải do di truyền từ tổ tiên ở Đồ Sơn mà người Trà Cổ ngày nay có những đặc trưng rất riêng so với các địa phương ven biển khác ở Quảng Ninh đó giọng nói to, nặng, tính tình bộc trực, thẳng thắn kiểu “ăn sóng nói gió”...

Độc đáo tục thi “Ông Voi”

Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức hàng năm vào ngày 30-5 và 1-6 âm lịch. Theo các cụ già trong làng kể lại, trước kia lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động và nghi thức. Trước khi mở hội, vào ngày 25-5 âm lịch, làng lại cắt cử các bô lão, trai tráng đại diện đi trên một đoàn thuyền rước bài vị tiên công từ Trà Cổ về quê tổ Đồ Sơn, sau đó quay về Trà Cổ. Nghi lễ này tượng trưng cho con đường ra lập nghiệp ở Trà Cổ của tiền nhân xưa. Ngày nay, nghi lễ trên đã lược bỏ do việc tổ chức đi lại vừa tốn kém, vừa vất vả, sóng gió nguy hiểm. Tuy nhiên, tục thi “Ông Voi” - nghi lễ chính của lễ hội, thì vẫn duy trì năm này qua năm khác.

Chúng ta đều biết lợn là một trong 12 con giáp, gắn bó với người nông dân không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn hiện hữu trong đời sống tâm linh từ lâu đời, nhất là với cư dân vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Theo tín ngưỡng của người Trà Cổ, “Ông Voi” được coi là linh vật của thần.
Theo tín ngưỡng của người Trà Cổ, “Ông Voi” được coi là linh vật của thần.
Về tục rước lợn trong các lễ hội làng, tại một số địa phương thuộc các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng như La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), Kỳ Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng) v.v.. cũng có tục này trong các lễ hội làng. Tại Quảng Ninh, ở làng Đồn Sơn, xã Yên Đức (Đông Triều), xã Yên Giang (Quảng Yên) xưa đã có lễ hội rước lợn. Tuỳ theo địa phương có cách gọi con lợn khác nhau, nhưng phổ biến nhất là gọi “Ông Bồ”, riêng tại Trà Cổ thì gọi là “Ông Voi”. Không chỉ khác về tên gọi, tục thi lợn ở Trà Cổ còn khác các địa phương trên ở chỗ lợn ở đây là lợn sống, thay vì lợn đã giết thịt.

Theo lệ xưa được duy trì đến nay, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là cai đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Cai đám phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. Những người được làng chọn cũng rất vinh dự và tự hào, vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc cai đám thì sẽ được lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra…Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời mà thôi. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là “Ông Voi”, được coi như linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ có mắc màn để tránh ruồi muỗi. Khi “hắt hơi xổ mũi” thì có bác sĩ thú y thăm khám.

Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”. “Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “Ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thị khao họ hàng. Riêng “Ông Voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau. Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”.

Sáng 1-6 âm lịch - chính hội, làng tổ chức đám rước thần. 12 cai đám mới được bầu cho lễ hội năm sau đảm nhiệm phần khiêng kiệu và cầm lọng đi hai bên. Đi đầu đám rước sẽ là phường bát âm, đội kèn đồng của xứ đạo Tràng Vĩ. Đám rước đi từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết thành hoàng rồi quay trở lại đình. Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển như tôm, cua v.v.. thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên năm qua đã phù hộ cho mạnh khoẻ, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Các nghi lễ tế thần được tiếp diễn trong các ngày hội còn lại. Trong những ngày hội thường có một số trò chơi được tổ chức như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo...

Lễ hội Trà Cổ được tổ chức vào mùa hè - mùa du lịch biển, là dịp du khách về đây tắm biển, nghỉ dưỡng nên thường thu hút sự quan tâm của rất đông du khách. Năm 2005, Lễ hội đình Trà Cổ với tục thi “Ông Voi” độc đáo đã được Sở VH-TT Quảng Ninh chọn đưa đi giới thiệu như là nét văn hoá tiêu biểu của Quảng Ninh tại Ngày hội Văn hoá các tỉnh Đông Bắc và đã được các tỉnh bạn đánh giá cao. Trong quy hoạch về định hướng phát triển của ngành Du lịch Quảng Ninh cũng như định hướng phát triển KT-XH TP Móng Cái, Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch với tiềm năng là du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Bãi biển Trà Cổ được mệnh danh là bãi biển trữ tình nhất Việt Nam cùng đình Trà Cổ, bia lưu niệm Bác Hồ, mũi Sa Vĩ v.v.. đã tạo nên sự gắn kết, hoà quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp văn hoá, làm cho Trà Cổ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa...
Trần Minh

Phong tục có một không hai ở Trà Cổ

ĐẮC THÀNH   -Thứ Năm, 05/01/2012, 9:58 (GMT+7)
Làng Trà Cổ (TP Móng Cái, Quảng Ninh), nơi được xem là điểm đặt bút đầu tiên để vẽ hình chữ S trên bản đồ nước Việt. Xa xôi cách trở nên điểm cuối của vùng Đông Bắc này còn lưu giữ những phong tục ly kỳ mà ít người biết đến.
Nuôi lợn theo tiêu chuẩn “ông voi”
Cách trung tâm thành phố Móng Cái 10 km, Trà Cổ là điểm cực Đông Bắc đất nước, nằm giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Địa hình Trà Cổ uốn hình vành khuyên trải dài 17 km, bắt đầu từ mũi Gót ở phía Bắc đến mũi Ngọc ở phía Nam. Về danh thắng, Trà Cổ có bãi biển Trà Cổ được mệnh danh là “Bãi biển trữ tình nhất Việt Nam” với cát trắng mịn, phẳng và rộng hoà trong làn nước biển in bóng hàng dương xanh biếc. Về lãnh thổ, Trà Cổ có Mũi Sa Vĩ - cột mốc biên giới lưu giữ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ rừng dương Trà Cổ, đến rừng đước Cà Mau”.
Những "ông voi" được tắm rửa sạch sẽ
Về lịch sử, điểm nhấn là ngôi đình Trà Cổ xuất hiện từ hơn 500 năm trước. Qua nhiều lần trùng tu, nhưng vết tích xưa vẫn chẳng phai mờ. Ngoài những hiện vật có giá trị, minh chứng cho sự trường tồn và vững chãi của mảnh đất địa đầu này, ngôi đình còn có 2 bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng đã xám màu thời gian, ghi rõ: “Địa cửu thiên trường” (đất vững, trời dài) và “Nam Sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững). Cũng chính ở ngôi đình này, chúng tôi đã được nghe một phong tục kỳ lạ của ngôi làng nằm ở cực Đông Bắc của Tổ quốc: Tục nuôi lợn chầu thần. Phong tục xuất phát từ việc tế lễ để tưởng nhớ công người khai khẩn ra vùng đất này.
Người dân Trà Cổ đời này qua đời khác lưu truyền nhau câu ca để nhớ về gốc gác xa xưa của mình: “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Gốc gác ấy bắt đầu cách đây khoảng 600 năm. Khi đó, 12 gia đình dân chài ở Đồ Sơn (Hải Phòng) bị giông tố cuốn ra biển rồi dạt đến mảnh đất Trà Cổ. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được sóng gió đã quay về quê cũ. Họ bảo rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì. Lộc sung thì chát, lộc si thì già”. Lời của họ, cũng là thực tế ở miền đất chứa đựng nhiều gian khó. Khó khăn có thừa nhưng đổi lại miền Trà Cổ non nước thanh bình. Những người ở lại xem Trà Cổ là nơi: “Ở đây vui thú non tiên. Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”.
Tự động viên nhau để khai hoang lập nghiệp, 6 gia đình lập đền thờ Thành hoàng, lấy tên gốc của quê mình là hai làng Trà Phương và Cổ Trai ghép lại đặt cho quê mới là Trà Cổ. Ngôi đình Trà Cổ từng ấy năm nay vẫn còn tồn tại với nguyên tên cũ. Hằng năm theo tục “nhất niên nhất lệ”, tuỳ theo mùa màng và sự sung túc của dân làng mà tổ chức lệ to, lệ nhỏ. Nhưng cứ đến ngày mồng 1 đến mồng 3 tháng 6 âm lịch người dân mở hội đình Trà Cổ tưởng nhớ công ơn những vị Thành hoàng.
Cụ Vũ Tiến Nồng (76 tuổi), người trông coi đình nhiều năm nay nghĩ rằng, để có được mấy ngày lễ thì dân làng phải chuẩn bị cả năm trời. Trong đó, việc quan trọng nhất là nuôi đủ 12 “ông voi”. Nhưng ở miền biển xanh cát trắng này voi đâu ra lắm thế? Hóa ra dân làng “sáng tạo”, nuôi lợn thay voi để chầu thần. Mỗi năm dân làng cử ra 12 người gọi là những ông đám. Mỗi ông đám nhận nuôi một “ông voi”. Đúng vào ngày 30/6 âm lịch, 12 ông đám tắm rửa sạch sẽ cho “ông voi” rồi dẫn về đình để lựa chọn thờ thần. Sáng ngày 1/6 tổ chức nghi lễ chọn lựa. Xét theo các tiêu chí tướng mạo đẹp, da dẻ hồng hào, đo vòng ức chiều dài… họ sẽ chọn ra 3 “ông voi” để thờ thần. 
12 "ông voi" đặt trước sân đình làm lễ chầu thần
Thờ xong, “ông voi” được trả lại cho ông đám. Người giàu thì làm thịt và chia cho anh em, làng xóm, còn gia đình khó khăn có thể đem bán cũng chẳng sao. “Theo tục lệ đã chầu thần thì phải có voi nhưng bây giờ voi không có nên người dân Trà Cổ phải dùng lợn để thay thế. Giải nuôi ông voi tuy không to nhưng là niềm vịnh dự cho các gia đình và dòng họ. Nuôi lợn chầu thần tượng trưng cho các vị thành hoàng cưỡi voi đi chinh chiến và đi làm nhiệm vụ kiểm tra trên khu vực lãnh thổ. Voi càng khoẻ mạnh thì chiến đấu càng tốt chiến đấu dành thắng lợi. Dân Trà Cổ tâm niệm, phải nuôi thật tốt để ông voi khoẻ mạnh giúp tướng lĩnh chiến đấu bảo vệ tổ quốc”. Cụ Nồng giải thích.
Ông đám và những điều tối kỵ
Ông Lê Chiến Trung, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ, tự hào: Trà Cổ bây giờ trở thành vùng “đất vàng” rồi. Thế nên để kiếm được vài mét vuông “làm nhà” cho “ông voi” ở là rất khó. Tuy nhiên “cờ đến tay ai thì phất”, không có đất làm nhà cho ông đám ở thì biến nhà mình thành nơi ở cho “ông voi”. Thậm chí, có những người phải đi thuê đất, thuê người chăm sóc nếu đến phiên làm ông đám.
Lễ hội đình Trà Cổ
Tất nhiên việc trở thành ông đám không phải ai cũng làm được. Theo ông Trung, hàng năm mỗi khu lại đưa sổ nhân khẩu ra để dò xét và bình bầu. Những bậc cao niên trong làng chiếu vào sổ nhân khẩu, nếu thấy người nào đủ điều kiện thì lựa chọn. Tiêu chí trở thành ông đám cũng khắt khe lắm. Người đó phải năm trong độ tuổi từ 25 đến 35, gia đình hoà thuận, không có tang, sống được mọi người kính nể… Thậm chí theo lệ ngày xưa, người giữ chức vụ ông đám còn chẳng được ngủ với vợ trong vòng một năm, không được ăn thịt chó, mèo… Bây giờ đã nới lỏng hơn, nhưng nếu trong năm mà vợ ông đám có bầu thì phải ra đình làm lễ mong Thành hoàng xí xoá, không được ăn tục nói bậy...
Sau khi trở thành ông đám, vào khoảng tháng Giêng hằng năm, mỗi ông đám ra đình để làm lễ nhận “ông voi”. 12 “ông voi” này được đánh thứ tự và bốc thăm, các ông đám cứ việc theo thăm mà nhận. Điều đáng quý là từ bao đời nay, dù ở hoàn cảnh nào thì người Trà Cổ chưa bao giờ để xẩy ra tình trạng từ chối nuôi “ông voi”. Họ xem đó là việc làm để nhớ công ơn cha ông khai khẩn ra vùng đất này. Cha ông họ đã bỏ công sức khai phá vùng đất này thì mình gìn giữ và phát huy là chuyện quá thường tình.
Một trong 12 ông đám năm nay là ông Hoàng Minh Đông, Phó chủ tịch UBND phường Trà Cổ. Nhận chức rồi ông Đông vừa thấy mừng lẫn lo. Mừng vì gia đình mình dù thế nào cũng được dân làng tín nhiệm. Lo ở nỗi đất đai chật hẹp. Nhưng dù lo mấy gia đình ông cũng thấy tự hào: “Nuôi ông voi điều tối kỵ là không được gọi lợn, chuồng lợn… mà phải gọi là ông voi, nhà ông voi, cho ông voi ăn. Khác với cách nuôi lợn bình thường, nuôi lợn theo tiêu chuẩn ông voi phải sạch sẽ, thức ăn cho ông đầy đủ không khác gì người ăn cả”.

Đình Trà Cổ

11 tháng 6 2011
Phường Trà Cổ với diện tích 1390,62 ha, phía Đông giáp biển, phía Nam giáp xã Bình Ngọc, phía Tây giáp xã Hải Xuân - Bình Ngọc, phía Bắc giáp xã Hải Hoà.
 
Biết đến Trà Cổ là biết đến một điểm nằm ở cực Đông Bắc của đất nước, một nơi giáp danh giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Là nơi " đặt nét bút đầu tiên để vẽ hình chữ S bản đồ tổ quốc Việt Nam". Cách trung tâm thành phố Móng Cái 07 km, bờ biển Trà Cổ uốn vành hình khuyên trải dài 17 Km từ mũi Gót ở phía bắc đến mũi Ngọc ở phía nam, được mệnh danh là " Bãi biển trữ tình nhất Việt Nam" với bãi cát trắng mịn, phẳng và rộng hoà trong làn nước xanh biếc in bóng hàng dương xanh. Vị trí vào khoảng 21º25 VĐB, 108º KĐĐ.

Trà Cổ cách Hà Nội 334km theo đường bộ Hà Nội – Hạ Long (151km) rồi theo đường 18 đến thành phố Móng Cái và đến Trà Cổ. Cũng có thể đi theo đường biển từ Hải Phòng đến Móng Cái (206km), hoặc từ Hạ Long đến Móng Cái (132km) (Gần hơn đường bộ 50km)

Đình làng Trà Cổ nằm bên trái đường theo trục đường chính, đình thuộc thôn Nam Thọ.

Theo các tư liệu lịch sử ghi lại, vào đầu thế kỷ XV, cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc đã khiến nhân dân vùng Đông Bắc, nhất là quê hương của nhà Mạc là vùng Nghi Dương, Kiến Thuỵ (Hải Phòng) điêu đứng, nhiều gia đình phải tha hương đi tìm vùng đất mới sinh sống. Trong số đó có 12 gia đình dân chài quê ở Đồ Sơn đã lên thuyền đi về phía đông bắc. Họ đã dừng chân tại Trà Cổ ngày nay để sinh cơ, lập nghiệp. Lại có truyền thuyết cho rằng, 12 gia đình trên đi đánh cá, gặp bão biển phải dạt vào đây, rồi ở lại sinh cơ, lập nghiệp. Cái tên Trà Cổ ra đời là tên ghép của 2 làng Cổ Trai và Trà Hương với ý nghĩa luôn nhớ về quê hương Đồ Sơn của mình. 
Sau khi đặt chân lên đảo, sáu gia đình nhìn thấy cảnh nơi đây hoang vu đã buồn chán và nói rằng:
“Ở đây ăn bổng lộc gì
Lộc sú thì chat, lộc si thì già”
Và thế là sáu gia đìng tìm cách trở về với quê hương cũ, sáu gia đình còn lại thì quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới nơi đây. Họ nói:
“Ở đây vui thú non tiên,Tháng ngày ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”
Thế rồi ngày ngày họ khai phá miền đất mới, vừa đánh bắt vừa khai phá dần dần họ tạo lập được xóm làng. Ban đầu từ sáu ngôi nhà đơn sơ, rồi trở thành một xóm làng trù phú. Đến thời hậu Lê xóm làng ấy đã phát triển thành một vùng quê ổn định, là nơi cư trú với một tổ chức xã hội ổn định với một nếp sống cao hơn xóm ấp. Như nhiều làng quê khác trên đất nước Việt Nam, ngôi đình làng đã được nhân dân góp công góp của xây dựng lên. Theo lời kể của nhân dân địa phương thì sau khi xây dựng, các cụ tiên công ở đây đã về quê cũ tại Đồ Sơn xin chân hương để rước các vị thành hoàng ở đó là Khổng Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch. Đồng thời tôn hai vị thần là Ngọc Sơn (Thần Núi) và Bạch Điểu Tước (Thần Chim) lên làm thành hoàng của làng.

Ở đình Trà Cổ ngoài các vị thành hoàng được nhân dân rước chân hương từ quê cũ về và hai vị thiên thần thì sáu vị tiên công có công đầu trong việc khai canh cũng được phối thờ ở hậu cung. Sáu vị tiên công này không chỉ có cứ liệu được phong thành hoàng. Nhưng việc lập bài vị thờ ở hậu cung của đình và hàng năm cứ đến mồng 1 tháng 6 nhân dân đã được coi họ là thành hoàng của làng.

Có thể nói đình Trà Cổ là một ngôi dình làng bề thế, tọa lạc giữa vùng giáp biên giới Việt Trung đã thể hiện như một cột mốc văn hóa của dân tộc Việt Nam nơi địa đầu tổ quốc.
Có ý kiến cho rằng đình Trà Cổ được xây dựng vào năm 1550. Đối chiếu lịch sử hình thành làng Trà Cổ thì có vẻ hợp lý. Trong số các ngôi đình ở Bắc Bộ, đình Trà Cổ được đánh giá là một ngôi đình khá đồ sộ, mang thuần dấu ấn của nền văn hoá Việt. Đặc biệt, đình Trà Cổ từ lâu được coi như là cột mốc văn hoá quan trọng ở địa đầu biên cương Tổ quốc. Đình Trà Cổ được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích là 1078m2 thoáng mát. Đình được đặt quay theo hướng Nam, theo tư thế cửa hướng ra biển Đông, đúng truyền thống đình làng người Việt, trước cửa đình có cổng, nghi môn ở giữa, hai cổng phụ ở hai bên, xung quanh có tường bao quanh cao 1,5m. Đình Trà Cổ có tổng chiều dài 29,8m, rộng 18,5m; bố cục kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”(J), gồm 5 gian 2 chái đường và 3 gian hậu cung. Phía trong đình có tất cả 48 cột lim to, sơn son thiếp vàng, cột lim đặt trên các tảng kê bằng đá xanh vững chắc. Trong đó có những cây cột cái cao tới gần 5m, chu vi 1,63m. Và còn có 20 cây cột quân. Các cột được giăng đan với nhau bởi những hàng dầm ngang dọc. Mái lợp ngói mũ hài diện tích ngói mái là 310m2 trên bờ nóc đóa lưỡng long chầu nguyệt, bốn góc mái dắp cầu đao, con guột uốn cong hình rồng tạo nét uyển chuyển mềm mại. Công trình được liên kết với nhau bởi ba hàng xà, hai hàng xà ngang là xà thượng làm nhiệm vụnối cột cái và xà trung làm nhiệm vụ nối cột quân, một hàng xà dọc làm động, hợp với nhau nơi bờ nóc. Hai mặt trái bên nhỏ hơn làm nhiệm vụ che kín hai bên gian hồi. Năm gian bái đường có trần, trong long bái đường có sàn, trừ gian giữa nối với hậu cung lát gạch các gian bên đều có sàn gỗ cao thấp khác nhau. Sàn có tác dụng giữ cho cột không bị xiêu vẹo, đồng thời có thể làm chỗ ngồi phân biệt ngôi thứ trong làng. Kết cấu vì kèo kiểu giá chiêng – chồng rường con nhị. Trên cùng là một con rường nhỏ, giữa cột có kê một một dép dọc đỡ thượng lương. Hai đầu rương ăn mộng qua lịa hai đầu cột trốn. Một đầu cột trốn được kê trên đầu vuông thóp đáy, đầu kia đỡ đôi hoành trên cùng. Đỡ hai hoành số 2 và số 3 là một đôi rường cụt được cấu tạo để tạo một đaauf vuông thóp đáy. Câu đầu đỡ đôni hoành thứ tư và nối hai đầu cột cái. Trên câu đầu kê bốn đầu vuông thóp đáy nhỏ. Một cây gỗ lớn được cấu tạo ăn mộng qua thân cột cái, một đầu cây gỗ tạo thành rường cụt đỡ tại hoành vì lách, đầu kia tạo thành một đầu dư chạm đầu rồng làm nhiệm vụ đỡ dạ câu đầu. Các bộ vì lách được cấu tạo như sau: Một chiếc xà lách lớn, một đầu ăn mộng vào thân cột cái, một đầu gác lê đầu cột quân qua đầu vuông thót đáy đỡ hoành mái. Các con rường này nhắn dần về phía trên theo chiều dốc về mái. Các con rường trên cùng là đuôi của đầu dư tại nóc. Khoảng trống giữa các con rường được ken những tấm ván bưng mỏng và trang trí nhiều đề tài khác nhau.

Tất cả các bức cuốn vì nách đã được các nghệ nhân thể hiện một cách khéo léo tinh sảo. Các nét chạm nổi, chạm lọng, kinh long… đề thể hiện được tài năng của các nghệ nhân Việt Nam trong điêu khắc gỗ, họ đã tạo ra cho mỗi bức chạm là một tcs phẩm là một nghệ thuật đặc sắc phóng khóang. Các con rồng đều có đặc điểm chung là mắt quỷ, miệng lang, sừng nhọn, tai thú, trán dô, mũi sư tử, cằm bạnh miệng rộng mang đậm dấu ấn đương thời.

Tất cả các đầu dư đề chạn rồng với đặc điểm: Mắt tròn lồi, mũi to như mũi sư tử, trán do miệng rộng, sừng nhọn như sừng nai tai thú. Ngoài ra các đầu bảy cũng được trạm hình rồng với thân mập uốn khúc , miệng rộng mắt tròn. Toàn bộ râu rồng như những đao mác bay lượn ngược ra phía sau. Có con mình trơn, có con toàn thân phủ một lớp như vảy cá chép. Khúc duôi nhỏ dần thuôn đều, long đuôi xòe tròn như hình chiếc lá.

Trong đình còn có hàng chục bức chạm trổ sinh động, nhiều câu đối hoành phi sơn son thếp vàng, hình tứ linh còn có hình hươu sao cổ dài, có sừng, cộc đuôi, tư thế chạy hay đứng quay đầu, mồm ngậm hoa cúc. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thiếp vàng đối diện nhau “Nam sơn tịnh thọ (Nước Nam bền vững) – Địa cửu thiên trường (Đất vững trời dài)”. Phần Hậu cung có diện tích khoảng 72 m2. Tại đây có bức chạm bông sen ở giữa giải hoa vuông, trước hậu cung có tấm y môn bằng lụa điều thêu rồng phượng. Khác với tất cả các ngôi đình hiện có ở Quảng Ninh. Hiện nay, ở Việt Nam, ngoài đình Trà Cổ chỉ có đình Bảng (Bắc Ninh) là còn có kiến trúc kiểu ván sàn. Bên trong, phía trước các ban thờ đình Trà Cổ đều có những cửa võng, mỗi bức dài 3,4m, rộng 1,4m nối với các cột cái theo chiều dài của ngôi đình. Mỗi bộ cửa là một tác phẩm chạm trổ đầy giá trị nghệ thuật với hình nàng tiên cưỡi rồng bay trong mây. Phía trên các bức cửa võng là hình rồng chầu mặt trăng được chạm khắc mềm mại, tinh xảo. Trên hai bức cốn ở hai bên gian giữa có chạm hình một đàn rồng mẹ, rồng con đang múa lượn. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son, thếp vàng đối diện nhau. Theo các dòng chữ Hán còn lưu lại trên bức hoành phi treo ở giữa đình thì đóng góp vào việc tu bổ, tôn tạo đình là kíp thợ mộc đến từ thôn Đạt Tài, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá). Họ cư trú tại Trà Cổ, cùng nhau làm ăn, xây dựng quê hương.

Theo nhà sử học Đỗ Văn Ninh, người được biết đến với các công trình nghiên cứu về thương cảng cổ Vân Đồn thì đình Trà Cổ giá trị ở chỗ là chứng cứ cho công lao mở mang bờ cõi của tổ tiên; là chứng cứ cho mối quan hệ máu thịt giữa miền biên cảnh với các miền khác trong nước. Đình Trà Cổ còn đáng quý vì còn lưu giữ lại được nhiều chứng cứ thể hiện tinh thần dũng cảm chống phong kiến của ông cha ta nữa. Bức hoành phi treo phía đầu hồi phải khắc 4 chữ “Địa cửu thiên trường” có nghĩa là đất lâu, trời dài - ca ngợi sự bền vững của đất trời Việt Nam. Đáng chú ý là bức hoành phi bên trái đề “Dân đức quân hậu” có nghĩa là dân đức độ, vua nhân hậu. ý ngoài như vậy nhưng bên trong ẩn một ý phản phong tế nhị và sâu xa. Người Trà Cổ đã đảo lộn trật tự trời - đất, vua - dân. Xem thế đủ thấy việc khắc mấy chữ trên hai bức hoành phi kia là một việc làm dũng cảm, một sự dũng cảm cố ý chứ không vô tình. Trải qua thời gian, đình Trà Cổ vẫn đứng đó như biểu trưng cho sự trường tồn của văn hoá Việt. Ngôi đình đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác, trong đó, nổi bật nhất là ca khúc “Mái đình làng biển” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, được nhiều ca sĩ thi giọng hát Sao Mai chọn, thể hiện.

Căn cứ vào kiểu dáng kiến trúc và điêu khắc gỗ của đình, dựa vào dữ liệu bảng chữ hán ghi trên thương lượng ta có thể khẳng định được xây dựng vào thời hậu lê và đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Lần thứ nhất có lẽ vào thời Nguyễn , lần thứ hai vào năm Canh Than (1920) do ông Nguyễn Văn Đại và Bui Văn Chu tổ chức quyên góp lấy tiền tu sửa. Lần sửa này đã thay ván bưng bằng tường gạch và một số cột gỗ. Lần trùng tu thứ 3 là vào năm 1995 do trung tâm tu bổ di tích trung ương thực hiện với nguồn kinh phí do Bộ Văn hóa thong tin cấp là 100 triệu đồng.
Ngoài ra còn có một số lần trùng tu nhỏ, lần gần đây nhất là năm 1999 do trung tâm tu bổ di tích trung ương thực hiện với nguồn kinh phí do tỉnh cấp.
Hiện nay ở đình Trà Cổ có 65 hiện vật, gỗ rất quý có giá trị về mặt nghệ thuật và điêu khắc gồm:
- Ba đỉnh hương đồng thời Nguyễn
- Bốn cây đèn nến bằng đồng
- Hai hạc rùa bằng gỗ thừoi Nguyễn sơn son thếp vàng
- Một khám long đình bằng gỗ thời Nguyễn
- Tám long ngai bằng gỗ thời Nguyễn
- Sáu bài vị bằng gỗ, phần trên chạm hình mặt nguyệt và hoa lá, hai bên trang trí diềm mây và hoa lá cách điệu
- Hai hộp đựng sắc phong bằng gỗ
- 12 sắc phong chất liệu giấy
- 1 án gian bằng gỗ thời Nguyễn
- Bảy bức bức đại tự có niên đại thời Nguyễn hình chữ nhật, phủ sơn son thiếp vàng, 1 chiếc có diềm trang trí hoa văn hình triện móc lien hoan, sáu chiếc còn lại không trang trí
- 8 đôi câu đối có niên đại thời Nguyễn
- Ở đỉnh có 5 bức cửa võng
Ngoài ra đình còn nhiều hiện vật đồ thờ khác như mâm bồng, mâm triện, một cỗ kiệu bát cống.

Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra đều đặn hàng năm từ 30-5 đến 1-6 âm lịch. Đây chính là dịp dân làng bày tỏ sự thành kính nhớ về tổ tiên. Trước ngày 30 tất cả các công tác chuẩn bị đều diễn ra nhanh chóng với sự góp sức của toàn thể dân làng, toàn thể dân làng cũng có một buổi gặp họp làng ngay tại đình thường vào ngày 28 hoặc 29 để phân công công việc cũng như đóng góp cho hội đình. Đến ngày 30-5 thì các công tác chuẩn bị đều hoàn tất, cờ băng rôn, ánh sáng… đều được trang hoàng. Chiều cùng ngày thì các Ông Voi (12 chú lợn tạ được 12 ông Đán những người ứng với 12 vị Tiên công đã có công lập nên làng Trà Cổ ngày xưa được chỉ định từ hội đình năm trước nuôi, chăm sóc) được trung bày hai hàng hai bên lối đi chính trong sân đình để mọi người chiêm ngương, cũng như chuẩn bị cho hội thi Ông Voi. Ông Voi nào tháng trong hội thi (có cân nặng, chỉ số kích thước lớn nhất) sẽ được chọn để làm tín lễ cúng lên tổ tiên ngày 1-6, sau đó thit sẽ được bày trong tiệc hội đình, Ông Đácn có Ông Voi thắng cuộc cũng nhận được phần thưởng của làng.Ngày 1 tháng 6, bắt đầu vào chính hội, đầu tiên đó là hội rước Vua ra bể (còn gọi là rước vua ra miếu, một ngôi miếu lâu đời nằm sát bờ biển Trà Cổ), với những nghi thức rất trang trọng: một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu, tiếp đến là người cầm cờ vía (phải là người cường tráng trẻ đẹp và có đạo đức được làng bầu chọn từ cuối hội năm trước) cùng mọi người khiêng kiệu, đội trống chiêng của chùa Vạn Linh Khánh, của đền Thánh Mẫu, cả đội nhạc của nhà thờ Trà Cổ xem kẽ với các đội bê kiệu, lễ vật, quân binh, cuối đoàn là các đoàn thể như hội phụ nữ, các bô lão, các cụ bà mặc đồng phục đi chùa, cũng như nhân dân làng lối đuôi nhau thành một hàng dài rước qua trục đường chính của làng rồi dọc bờ biển trược khi đến miếu thờ. Nét độc đáo của Lễ hội đình Trà Cổ là hội thi làm cỗ, thi nấu ăn, ai nấu ăn giỏi đều được cả làng biết đến. Ngoài ra, những năm gần đây, trong suốt hội còn có nhiều hoạt đông như văn nghệ, thi thể thao (Đá bóng, kéo co, cờ tướng…), đi cà khêu… Ngày mồng 6, Lễ hội kết thúc với phần biểu diễn múa bông. Trong ngày múa bông, người ta cầu mong trời đất thần linh phù trợ cho đánh bắt được nhiều cá tôm, buôn bán phát đạt, chăn nuôi, trồng cây tươi tốt, cuộc sống ấm no. Năm 2005, Lễ hội đình Trà Cổ đã được Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở VH-TT và DL) chọn giới thiệu tại Ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc và đã được các tỉnh bạn đánh giá cao về giá trị, ý nghĩa của nó.

Đình làng Trà Cổ cũng mang lại giá trị cao trong hoạt động du lịch. Đình luôn mở cửa chào đón du khách bất cứ lúc nào cho dù không phải trong dịp lễ hội hay không phải mùa du lịch. Do đó nơi đây cũng là điểm đến của hầu hết các đoàn du khách mỗi khi họ đến du lịch tại Trà Cổ, không chỉ có du khách nội địa mà đình làng Trà Cổ còn thường xuyên có du khách ngoại quốc đến thăm quan. Hàng năm, lễ hội đình Trà Cổ cũng là lúc thu hút rất đông du khách đến đây tham quan, dự hội. 

Nói tóm lại, đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử đã được xếp hạng vào loại đặc biệt quan trọng về kiến trúc. Đây chính là ngôi đình điển hình cho đình làng việt Nam xưa kia. Đến nay, ngôi đình này vẫn còn giữ được khá là nguyên vẹn những giá trị mà nó vốn có. Lễ hội đình Trà Cổ cũng được coi là một trong những lễ hội đặc sắc thể hiện khá rõ nét nếp sống của người Việt cũng như lối sống cộng đồng gắn kết, thể hiện tình đoàn kết trong không gian một ngoi làng Việt. Ngày nay, nhân dân phường Trà Cổ vẫn đang gìn giữ rất tốt đình làng và giáo dục các thế hệ đi sau về truyền thống của làng, các sự việc lớn cần việc bàn bạc góp sức của cả làng vẫn thường xuyên được tổ chức tại đình. Có thể nói đây chính là những nét đẹp truyền thống, mộc mạc, giản di nhưng vô cùng đáng quý của nhân dân ta. Nhưng giá trị này sẽ cần đựơc lưu truyền và nhân rộng và du lịch sẽ giúp chúng ta làm được điều đó.