Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Giá trị kiến trúc truyền thống : nhà ở nông thôn mối vùng đồng bằng Bắc bộ

ngoaithanh
Kiến trúc nhà ở nông thôn (NONT) vùng đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) phản ánh một phần kho tàng văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của dân tộc ta.
1. Đặt vấn đề
Kiến trúc nhà ở nông thôn (NONT) vùng đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) phản ánh một phần kho tàng văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của dân tộc ta. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, cha ông ta đã biết tổ chức không gian nhà ở của mình ngày càng hoàn thiện về công năng và đạt giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao hơn. Những giá trị cần tìm hiểu, nghiên cứu đối với NONT như: Giá trị về tổ chức quy hoạch làng xã; quy hoạch khuôn viên khu đất; tổ chức không gian nhà ở thân thiện với môi trường tự nhiên.
Ngày nay, dưới tác động của đô thị hóa cấu trúc làng xã truyền thống đã thay đổi cả về nội dung và hình thức, từ cấu trúc làng xã “đóng” kín đã chuyển sang cấu trúc “mở” linh hoạt. Đối với không gian nhà ở cũng biến đổi cho phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp nông thôn. Ngoài không gian nhà ở thuần nông đã nảy sinh thêm một số không gian khác như nhà ở kết hợp với sản xuất thủ công, kết hợp làm kinh tế trang trại, dịch vụ thương mại… Các không gian NONT mới hiện phát triển tự phát, thiếu định hướng đang phá vỡ những giá trị khuôn mẫu của cấu trúc không gian cũng như NONT truyền thống vùng ĐBBB, ảnh hưởng đến môi trường sống người dân nông thôn.
Hình ảnh nông thôn ngoại thành Hà Nội
Do đó, việc nghiên cứu kế thừa những giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống phục vụ cho thiết kế, xây dựng NONT mới vùng ĐBBB đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ăn, ở, học tập, phát triển kinh tế gia đình, phù hợp với phương thức sản xuất mới, đáp ứng điều kiện thân thiện với môi trường thiên nhiên, nâng cao tiện nghi cho người dân là cần thiết.
2. Kế thừa những giá trị kiến trúc NONT truyền thống
2.1. Giá trị quy hoạch làng, xã: Giá trị quy hoạch của làng, xã vùng ĐBBB được thể hiện ở cấu trúc truyền thống bền vững cũng như những thành phần chứa đựng trong làng xã như lũy tre làng, cổng, đường làng, ao và giếng làng, đình, chùa, miếu, đền, nhà thờ họ, chợ… Ngoài ra, giá trị nghệ thuật của làng vùng ĐBBB còn biểu hiện ở việc lựa chọn vị trí khu đất dựng làng theo thuật phong thủy dựa vào Ngũ hành, vào vận khí của trời đất. Người dân vùng ĐBBB quan niệm về phong thủy ngoài các yếu tố phong thủy của Trung Hoa, họ còn hình dung ngôi làng là thân thể của một vị thần, mà tứ chi được phân bố trên toàn bộ đất đai của làng.
Làng vùng ĐBBB được bao bọc bởi lũy tre dày đặc tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ cho dân làng chống lại các tai họa đến từ bên ngoài, đồng thời nó còn là ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã thể hiện đặc điểm đóng kín và độc lập của làng. Cổng làng thường có từ hai đến ba cổng, cổng chính vào làng có điếm tuần đêm canh gác, cổng này nối liền với đường cái quan, cổng phụ ở cuối làng dẫn ra bến đò hoặc ra cánh đồng, cổng thứ ba ra nghĩa địa. Đường làng vùng ĐBBB có giá trị nghệ thuật cũng như cấu trúc rất riêng. Đường làng có đường lớn và ngõ nhỏ, đường làng chạy song song từ đó đi vào các ngõ nhỏ cụt (kiểu cài răng lược). Cấu trúc của đường làng vùng ĐBBB tuy rất tự nhiên theo địa hình, thế đất nhưng vẫn có những quy tắc nhất định. Hai bên đường làng được trồng hai hàng cây như tre, hóp, chè mạn, xương rồng, cây dâm bụt xén tỉa điểm xuyết theo tuyến là cây lấy gỗ như xoan, nhãn nối liền giữa khuôn viên các nhà tạo nên tuyến đường làng vừa có bóng mát, vừa có cảnh quan đẹp.
Ngày nay, nhằm đáp ứng điều kiện phát triển mô hình kinh tế – xã hội nông thôn cũng như đòi hỏi của xã hội về nhu cầu dãn dân, tách hộ gia đình, nhu cầu mở rộng đất ở… bên cạnh các làng xã truyền thống đã xuất hiện điểm dân cư nông thôn mới. Thực tế cho thấy việc quy hoạch các điểm dân cư nông thôn mới rất giống với quy hoạch các khu ở trong đô thị, đường xá quy hoạch vuông góc theo kiểu ô cờ, nhà ở bố trí thẳng hàng như nhà mặt phố tạo nên bộ mặt kiến trúc NONT khô khan, những nhà bê tông kề liền nhau như những hộp diêm dựng đứng. Ngoài ra, điểm dân cư nông thôn mới thiếu cây xanh, mặt nước, thiếu các công trình văn hóa, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. NONT mới chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, ăn ở và phát triển kinh tế hộ gia đình người nông dân.
Như vậy, khi quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn mới cần quan tâm nghiên cứu kế thừa các giá trị lịch sử, văn hóa của làng xã truyền thống, tạo nên mối quan hệ hữu cơ với nhau để đảm bảo điều kiện phát triển quan hệ bền vững; đảm bảo mối quan hệ chức năng giữa điểm dân cư mới và làng truyền thống, những công trình tâm linh, văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời cần lưu giữ tại làng cũ, các công trình dịch vụ công cộng mới như trạm bưu cục, trạm xá, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, dịch vụ, trường học nên bố trí tại các điểm dân cư nông thôn mới, các công trình phục vụ công cộng, khu vực cây xanh, mặt nước, khu vui chơi giải trí cần bố trí tại địa điểm thuận lợi để có thể phục vụ chung cho các điểm dân cư mới cũng như làng truyền thống cũ; đảm bảo kết nối thuận lợi hệ thống giao thông liên xã, làng xóm, liên thôn với hệ thống giao thông điểm dân cư nông thôn mới với nhau; đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp nước, rãnh thoát nước chung, hệ thống điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các điểm dân cư, hệ thống cây xanh, cảnh quan chung; cần lưu ý kế thừa phát huy giá trị văn hóa, tập quán phong tục truyền thống trong các điểm dân cư mới, giữ gìn các yếu tố văn hóa có giá trị và loại bỏ bớt các hủ tục lạc hậu và tránh để văn hóa ngoại lai không có giá trị xâm nhập làm bào mòn lối sống văn hóa truyền thống nông thôn vùng ĐBBB.
Nhà ở nông thôn truyền thống
2.2. Giá trị tổ chức khuôn viên khu đất: Tổ chức các thành phần chức năng cũng như tổ chức cảnh quan khuôn viên khu đất NONT truyền thống vùng ĐBBB có giá trị rất lớn về nghệ thuật kiến trúc. Việc lựa chọn hướng nhà, vị trí cổng ngõ ra vào, vị trí hòn non bộ, bố trí cây xanh, mặt nước… ngoài những yếu tố tâm linh còn mang giá trị nghệ thuật tạo hình và yếu tố khí hậu đặc trưng của vùng nông thôn ĐBBB.
Một trong những giá trị cần nghiên cứu là nghệ thuật tổ chức vườn trong NONT truyền thống. Có bốn loại vườn trong khuôn viên ngôi NONT: Vườn trung tâm trồng hoa và cây cảnh tạo cảnh quan bám xung quanh sân; Vườn thứ hai nằm hướng Đông phía bên trái trồng rau xanh và trồng cau kết hợp với giàn trầu, vườn này vừa có giá trị cảnh quan, giá trị kinh tế, vừa có giá trị giải quyết vi khí hậu (tán cây cau che nắng phía trên nhưng đón gió mát hướng Nam lùa vào không gian ngôi nhà); Vườn thứ ba phía Tây trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ, vườn này chắn bớt bức xạ mặt trời hướng Tây; Vườn thứ tư hướng Bắc trồng chuối nhằm che chắn gió lạnh mùa đông bắc cho ngôi nhà. Dân gian thường có câu “trước cau sau chuối” là cách thức tổ chức vườn giúp cho NONT có khả năng mát về mùa hè và ấm về mùa đông.
Việc xây dựng, phát triển NONT mới hiện nay do không quan tâm kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc biệt không chú trọng đến bố trí sân, vườn cảnh quan nên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở, tiêu hao nhiều năng lượng, góp phần làm biến đổi khí hậu.
Do đó, khi xây dựng phát triển các loại hình NONT mới cần quan tâm kế thừa giá trị nghệ thuật sân vườn trong NONT truyền thống. Việc kế thừa cần chọn lọc và tổ chức cho phù hợp với không gian kiến trúc của mỗi loại hình NONT mới. Sân, vườn ngoài chức năng tạo cảnh quan, cải thiện kinh tế gia đình còn giúp điều hòa khí hậu nóng ẩm, thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Sân, vườn được bố trí tại các vị trí trong không gian NONT mới như sau: 1/ Đối với sân, có thể bố trí trước nhà; tạo sân trong giữa nhà trước và nhà sau. 2/ Đối với vườn, bố trí phía sau, bên cạnh và trên mái nhà. Sân trước kết hợp với trồng cây cảnh, sân trong trồng cây cảnh, bể nước mưa, bể cảnh và hòn non bộ. Vườn sau, vườn xung quanh trồng rau xanh, cây ăn quả, vườn mái trồng rau xanh kết hợp dàn hoa thiên lý, mướp, bí, bầu.
2.3. Giá trị tổ chức không gian: Giá trị về tổ chức không gian NONT truyền thống vùng ĐBBB được thể hiện ở việc bố trí các chức năng hợp lý, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và làm kinh tế gia đình. Các chức năng gồm sân phơi, ao cá, vườn, nhà ở chính, nhà phụ, nhà kho, vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi. Việc tổ chức các chức năng liên hoàn, phóng khoáng, đan xen với cây xanh, mặt nước, cảnh quan thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tận dụng khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên đã tạo nên sự khác biệt về giá trị không gian NONT truyền thống.
Không gian NONT mới tại các điểm dân cư nông thôn hiện nay thường đóng kín, thiếu ánh sáng, thông gió tự nhiên kém nên tốn điện năng cho quạt điện và điều hòa. Mặt khác, do bố trí công năng theo chiều cao, thiếu không gian sân, vườn, chuồng trại chăn nuôi gia súc nên không phù hợp với loại hình nhà ở thuần nông.
Không gian NONT mới nên kế thừa trên cơ sở biến đổi không gian NONT truyền thống theo phương ngang trước đây trở thành phương dọc (theo chiều sâu) đồng thời chuyển đổi sân phơi thành sân trong hoặc bố trí sân phơi trên mái. Ngoài ra, không nên xây dựng NONT mới kiểu chia lô như hiện tại mà nên chuyển sang xây dựng nhà ở kiểu nông trang (kiểu nhà ghép hộ). Không gian NONT kiểu nông trang được kế thừa từ tính chất gia đình đa thế hệ của nông thôn vùng ĐBBB. Đó là một tổ hợp các ngôi nhà cùng huyết thống, có thể tận dụng diện tích đất xây dựng nhà ở để tăng diện tích sân phơi chung và vườn trồng cây. Nhà ở kiểu nông trang chính là nhà ở được chuyển đổi, kế thừa các giá trị tổ chức không gian từ NONT truyền thống tạo nên cần quan tâm nghiên cứu để có thể áp dụng thiết kế, xây dựng NONT mới vùng ĐBBB.
Ghi chú : 
1. Tiếp khách 
2. Thờ cúng 
3. Nơi ngủ đàn bà 
4. Nơi ngủ đàn ông 
5. Nơi ngủ Bà 
6. Nơi ngủ con gái
7. Nơi để thóc gạo 
8. Nơi để đồ quý 
9. Bếp nấu 
10. Sân phơi 
11. Bể nước 
12. Vườn trồng rau 
13. Chuồng trại 
14. Cây rơm
3. Kết luận
Kiến trúc NONT vùng ĐBBB có nhiều giá trị nghệ thuật tạo hình cũng như giá trị thân thiện với môi trường nông thôn. Nhờ đó, NONT đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử và có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, nương tựa vào thiên nhiên, tận dụng những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của thiên nhiên để phát triển. NONT truyền thống vùng ĐBBB chính là loại hình kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc thân thiện với môi trường.
Quá trình đô thị hóa, nhu cầu của xã hội và sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn đã làm biến đổi không gian NONT truyền thống là một quy luật phù hợp với thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, do không quan tâm đến các yếu tố cảnh quan, cây xanh, mặt nước, xử lý vi khí hậu nên NONT không đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đang làm ảnh hưởng đến môi trường sống nông thôn vùng ĐBBB.
Do vậy, cần thiết phải kế thừa những giá trị kiến trúc NONT truyền thống giúp cho xây dựng NONT mới phù hợp với môi trường tự nhiên, thân thiện với thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng, ứng phó với sự biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét