1. Chùa đồng bằng Bắc Bộ
a. Quá trình ra đời và phát triển Phật giáo:
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thời gian nào thì vẫn chưa có tài liệu chính xác. Tuy nhiên cuối thế kỷ II sau Công Nguyên, tại Miền Bắc ở trung tâm Luy Lâu Phật giáo đã phát triển mạnh. Như vậy, Phật giáo truyền vào Việt Nam khoảng thế kỷ I sau Công nguyên bằng đường biển nối Giao Châu với Thiên Trúc do các vị sư ấn Ðộ truyền vào. Phật giáo Trung Hoa và Trung á cũng theo đường bộ thâm nhập vào miền Bắc nước ta khoảng thế kỷ II đến III sau Công nguyên.
b. Kiến trúc công trình Phật giáo:
- Kiến trúc Phật điện:
Bố cục các chùa thường gặp hiện nay theo kiểu chữ " Ðinh" như chùa Châu Long (Ba đình), chùa Diên Phúc (Gia Lâm) , chữ "Công" như chùa Bà Ðá, chùa Ðông Ba (từ Liêm), chùa Hoè Nhai..., chữ "Tam" như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên, "nội công ngoại quốc" như chùa Bảo Sơn ( Cổ Loa), chùa Ðào Xuyên (Gia Lâm), chùa Huỳnh Cung (Thanh Trì)..., chữ " Nhị" như chùa Tình Quang (Gia Lâm).
Hình thức các công trình Bắc Bộ thường gặp là kiểu tầu đao lá mái với các đầu đao cong vút, mang lại cảm giác nhẹ hơn cho phần mái nặng nề chiếm tới 2/3 công trình. Tuy nhiên, phần lớn các công trình kiến trúc còn lại hiện nay thuộc dạng đầu hối bít đốc với phần mái chiếm tỷ lệ tương đương với 1/2 toàn bộ chiều cao công trình.
- Ðặc trưng kết cấu chịu lực:
Cũng giống các kiến trúc dân tộc khác, kết cấu ngôi chùa Việt đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu là khung gỗ mái ngói đặt trên nền bằng đất, đá đắp cao hơn so với xung quanh. Kiến trúc các công trình thường được tổ hợp từ các gian vì kèo với số gian lẻ, độ sâu lòng nhà xác định dựa trên số hàng cột trong một gian vì kèo. Hệ khung gỗ dễ tháo lắp, vận chuyển, vững chãi nhờ các mối liên kết bằng mộng.
Các trọng tâm chịu lực chính là chân móng ( đối với tháp, tường chịu lực), và các cột gỗ, cột bê tông, cột gạch ( đối với công trình chịu lực bằng hệ khung gỗ, khung bê tông...). Các bộ phận khác trong nhà đều phải chịu một lực nhất định, tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang, dọc khác giằng vào nhau, chuyển lực về vị trí chịu lực chính. Sự lắp ghép bộ vì thể hiện ở khoảng cách giữa các cột ( câu đầu, xà nách) và hài hoà với độ dốc của mái ( kẻ, bẩy) phù hợp với điều kiện khí hậu của miền Bắc nước ta. Ðiều này dẫn đến công thức xác định khoảng chảy của độ dốc công trình : "câu tam, cổ tứ, huyền ngũ" tức là một tam giác vuông chiều đứng 3 phần, chiều nằm 4 phần, đường huyền ba phần. Trên các dạng thức này, người thợ có thể sáng tạo ra các kiểu bộ vì chồng rường đấu, giá chiêng, kẻ ngồi, kẻ truyền, kẻ hiên...
- Ðặc trưng kết cấu bao che:
Mái các công trình truyền thống thường làm theo phương pháp "tầu đao lá mái", với kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, bẩy góc, do đó không xoè rộng như mái các nước làm theo phương pháp "chồng đấu tiếp dui". Hình thức cũng khác hơn do mái Việt Nam dốc thẳng từ đường bờ nóc xuống dưới cùng để tỳ lên chân tầu lá mái ở bên dưới. Trong khi đó, mái của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc... mái được làm võng theo đường dốc mái.
- Ðiêu khắc kiến trúc:
- Trang trí trên kết cấu chịu lực:
Ðối với các công trình chùa hiện nay, điêu khắc trên cấu kiện là tương đối phổ biến. Các đầu dư, đầu nghé, kẻ bẩy... làm nhiệm vụ kỹ thuật cũng được chạm trổ. Tuy nhiên, ở ngôi chùa do tính chất tôn giáo trang nghiêm nên không có những mảng chạm khắc về cảnh sinh hoạt dân gian. Nhưng truyền thống chạm bẹt, chạm bong kênh, chạm lộng những hình ảnh rồng phượng, hoa lá đủ kiểu được thể hiện đã làm cho tiếng nói mỹ thuật của ngôi chùa đôi khi đặc trưng cho cả một thời kỳ. Ðối với kết cấu gỗ, trang trí chủ yếu tập trung vào các đầu xà, ván mê, cốn, nơi mà tác dụng chịu lực chỉ là phụ, còn ở các vì kèo thì thường được chạm nông để bảo đảm được tính vững bền của kết cấu. Chân tảng, bậc cấp hay thành bậc chạm trổ khéo léo cũng mang lại những thụ cảm mỹ thuật nhất định.
- Trang trí trên kết cấu bao che:
Trên bộ phận mái lợp, những hàng ngói mũi hài đều đặn, chắc chắn, những bờ nóc, bờ giải, bờ guột đắp vữa hoặc đắp thủng hàng hoa thị (hoa chanh), những con kìm, con xô, con bẹ làm cho kiến trúc không tách rời mà hoà cùng thiên nhiên vạn vật. Ðầu đao uốn cong trang trí với hình rồng, hình hoa. Trên bờ nóc thường trang trí con kìm ở hai đầu, giữa là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt hoặc lưỡng long tranh châu. Trên hai đầu hồi ở dạng công trình đầu hồi bít đốc có thể không trang trí gì chỉ để gạch trần hoặc trát vữa quét vôi, đôi lúc trang trí dạng hổ phù, Long hàm thọ hoặc hoa văn. Cửa đi thường có panô ở dưới, phần thoáng bên trên có thể có con tiện tròn, bẹt, chạm lộng hoặc trang trí dạng chữ vạn.
- Bài trí tượng thờ:
Các lớp tượng cũng được phân bố theo các lớp kiến trúc tạo nên các con đường ngang dọc trong không gian chùa. Tượng thờ được bài trí qua các thời kỳ song song với việc phát triển kiến trúc và là một trong những nguyên nhân mà bố cục ngôi chùa thay đổi. Khác biệt trong bài trí tượng thờ không chỉ ở quy mô của Phật điện mà còn do ảnh hưởng của tông phái, do trình độ của người trụ trì, do kinh phí nhiều ít, do được cúng tiến...
Không có một công thức duy nhất cho bài trí tượng thờ, nhưng có một số điểm chung giữa cách bố trí tượng thờ các chùa đã được các nhà nghiên cứu đi trước đề cập đến như Trần Lâm Biền, Trần Nho Thìn... (xem thêm bài tượng thờ)
nhànhlantím - October 12, 2004 02:30 PM (GMT)
2. Chùa Trung Bộ
a. Quá trình ra đời và phát triển Phật giáo:
Ðối với miền Trung, Phật giáo thâm nhập vào theo hướng các vị truyền giáo truyền bá Phật pháp theo đường biển sang Ðà Nẵng và từ Ðà Nẵng đi các vùng miền Trung kể cả Thừa Thiên Huế.
Vùng Trung Bộ có một thời kỳ thuộc vương quốc Chămpa trước khi thuộc về người Việt. Do đó, lịch sử vùng đất Trung Bộ đi liền với sự cộng cư và hoà nhập giữa hai nền văn hoá lâu đời đó.
Trước thời Trần, tại Thuận Hoá (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay) cõ lẽ là đã có nhiều chùa thờ Phật với kiểu kiến trúc gỗ, tranh thấp bé. Ðạo Phật từ thời Trần trở đi đã thịnh, nhiều chùa thuộc về Thiền Tông được xây dựng trên vùng đất này.
Ðến đời các chúa Nguyễn, một số chùa được sửa hoặc xây lại như chùa Thiên Mụ (1601), chùa Sùng Hoá (1602), chùa Thuận An (1688)... Trong khoảng thời kỳ này, hình thức thảo am ( tiền đề cho những ngôi chùa) được dựng lên rất nhiều như thảo am trên núi Hàm Long nay là chùa Báo Quốc. Những ngôi chùa như chùa Từ Ðàm, chùa Từ Lâm, chùa Vĩnh Ân... cũng đều phát triển từ thảo am.
Chùa ở Huế hiện nay chỉ còn thấy từ thời chúa Nguyễn nhưng hầu hết đã bị rơi vào tình trạng đồi phế khi chúa Trịnh vào xâm chiếm Phú Xuân và khi nhà Tây Sơn đã đánh đuổi được Nguyễn ánh. Dưới thời các vua Nguyễn từ 1802 đến 1945, chùa chiền ở Huế phát triển mạnh, các chùa được sửa sang và trùng tu. Nhiều chùa được xây mới thời kỳ này như chùa Diệu Ðế ( đời Thiệu Trị), chùa Từ Hiếu (1834)...
Từ cuối thế kỷ XIX, với sự xâm nhập của người Pháp đã mang theo thành quả kỹ thuật xây dựng của phương Tây làm thay đổi bộ mặt kiến trúc của thành phố. Những kiến trúc mang đậm nét kiểu thức kiến trúc phương Tây thế kỷ XIX cùng kỹ thuật xây dựng vòm cuốn, không gian kiến trúc lớn nhờ kết cấu bê tông cốt thép, gạch đá, vôi, xi măng... hoàn toàn khác hẳn với kiến trúc truyền thống của chúng ta trước đó.
Một số ngôi chùa được xây dựng bằng bê tông cốt thép như chùa Viên Thông (trùng tu lớn năm 1881), chùa Thuyền Tôn (năm 1973), chùa Diệu Ðế (đại trùng tu năm 1950), chùa Linh Quang ( đại trùng tu năm 1960)
b. Kiến trúc các công trình Phật giáo:
- Kiến trúc Phật điện:
Hầu hết chùa miền Trung trong giai đoạn đầu là những am tranh một gian hai chái. Có một thời gian người ta gọi Huế là kinh đô của Phật giáo. Chùa Huế mang đặc trưng riêng trong phong cách kiến trúc, tổ chức vườn chùa, và cả cách hành lễ, giới luật của chư tăng. Các chùa ở Thuận Hoá đều nằm trên đồi cây cao bóng mát, là những ngôi chùa thực sự có cảnh trí tĩnh lặng, môi trường thiên nhiên trong lành... có thể nói là nét đặc sắc của chùa miền Trung phụ thuộc rất lớn vào địa hình mà các ngài Sư tổ đã chọn. Các điện thờ thì hầu như có một phong cách chung là bình dị, thoáng đãng và trang nghiêm. Sau điện thờ thì thường có vườn hoa, sân, cây cảnh, non bộ, khu tháp mộ được đặt phía sau chùa.
Kiến trúc ngôi chùa khi đã được hoàn thiện ở miền Bắc thì ảnh hưởng của nó cũng không được kế thừa nhiều ở miền Trung. Ðiều này là do sự phân chia quyền lực phong kiến Ðàng Trong - Ðàng Ngoài ngăn cách. Tuy nhiên các loại hình kiến trúc có sớm hơn cũng được kế thừa tại đây. Ví dụ như chùa bố trí theo lối chữ tam: chùa Chúc Thánh (Hội An), chùa Thiên Mụ ( Huế). Ðặc biệt chùa Thiên Mụ mang ảnh hưởng rõ rệt của Nho giáo với tính chất cung đình qua bố cục không khép kín ẩn mình mà lại bầy ra tiền hậu tả hữu với chánh điện là trung tâm của quyền lực.
Chùa thường được bố cục theo kiểu chữ "Nhất" như chùa Ba La Mật, chùa Trường Xuân, chùa Quang Ðức, chùa Thiên Lương - Huế, chữ Môn (chùa Hải Ðức - Huế) cá biệt có chùa Từ Ðàm có mặt bằng hình chữ đinh, cả hai chùa này đều có gác chuông gác trống hai bên. ở ngôi chùa thường có lầu chuông lầu trống ở hai đầu chính điện, nói lên sự hỗn dung tín ngưỡng thần phật theo chân người Kinh về Phương Nam. Ví dụ như chùa Phổ Ðà (Ðà Nẵng), Thiên Ân (Quảng Ngãi), Sùng Ân (Phan Rang), Long Sơn (Nha Trang)...
Ðặc điểm khác biệt với miền Bắc là xuất hiện ngôi chùa chữ "Khẩu" ra đời, ví dụ chùa Quốc Ân khánh thành năm 1684 ( Huế), chùa Hàm Long (Huế) xây dựng cuối thế kỷ XVII, chùa Thiền Tông ( Huế) xây dựng năm 1708, chùa Từ Hiếu ( Huế) xây dựng năm 1848, chùa Thập Tháp Di Ðà ở Bình Ðịnh xây dựng năm 1677, chùa Long Khánh xây dựng năm 1655 (Bình Ðịnh), chùa Ðông Thuyền ( Huế)... Chùa chữ khẩu ra đời có thể do người Kinh vào đây tiếp thu văn hoá ấn Ðộ giáo qua người Chăm coi số 4 rất thiêng liêng, nên xây dựng chùa gồm 4 toà nhà. Hơn nữa, ngôi chùa chữ khẩu tạo nên một Thiên Tỉnh ở giữa, lấy ánh sáng ra bốn bên nhằm đề cao mệnh trời. Chùa chữ khẩu gồm khu chính điện trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ, khu nhà hậu làm nhà Thiền, khu Ðông đường và Tây đường hai bên là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng.
Kể từ Quảng Trị trở vào thì xuất hiện nhiều chùa thuộc hệ phái Nam Tông và hệ phái Khất sĩ. Kiến trúc và Phật điện của các hệ phái này tương tự như ở miền Nam.
- Ðặc trưng kết cấu chịu lực:
Kết cấu gỗ ở miền Trung thể hiện qua những bộ vì cao thoáng, kết cấu theo lối biến thể của vì kèo chồng rường, một đặc điểm đặc trưng của kiến trúc gỗ ở Miền Trung. Hệ consơn nằm ngang kiểu đấu củng Trung Quốc đã được cải biên ra đời thay cho hệ thống bẩy phát triển ngoài miền Bắc. Thường gặp nhất là chùa một gian hai chái, kiểu tứ vị tam gian, cột kèo xuyên trếnh (chùa Ðông Thuyền , chùa Quảng Tế - Huế).
- Kết cấu bao che:
Tổ hợp mái kiểu chồng diêm " trùng thiềm" được sử dụng nhiều trong những công trình chùa ở Huế (đặc trưng như là chùa Từ Hiếu - Huế và các chùa khác như chùa Báo Quốc, Vạn Phước, Kim Sơn, Linh Quang, Tây Thiên -Huế, chùa Linh Quang, Linh Phong - Ðà Lạt). Góc mái thẳng, đầu mái mang lại cảm giác cong do bờ nóc và trang trí nóc tạo thành ví dụ điện Ðại Hùng chùa Thiên Mụ, chùa Từ Ðàm... Ngói được sử dụng là ngói men màu vàng nhạt hoặc ngói âm dương (chùa Vạn Phước), ngói ống (chùa Từ Ðàm), ngói ta màu nâu đỏ, ngói liệt (chùa Kim Tiên, chùa Thiền Hưng, chùa Thánh Duyên... - Huế).
Một số chùa có mái kiểu "bánh ít" với kết cấu xuyên trếnh với 4 mái như chùa Ðông Thuyền, Quảng Tế, Thiên Hưng (Huế), Thập Tháp di đà (Bình Ðịnh), Hội Phước (Nha Trang)...
- Ðiêu khắc kiến trúc: Kiến trúc miền Trung sử dụng sơn mài trong các cột, với hai gam chủ đạo và đỏ và đen cùng màu vàng tạo nên một sắc hài hoà và ấm. Các mô típ long lân quy phụng được trang trí trên bờ nóc (chùa Thiên Mụ). Lưỡng long chầu Pháp luân ( nóc chùa Kim Sơn - Huế, nóc chùa Từ Ðàm - Huế), . Các bức phù điêu đắp các tích trong kinh Phật ( giữa hai tầng mái chùa Kim Sơn, chùa Từ Ðàm), khảm sành sứ ( chùa Từ Ðàm). Chùa Diệu Ðế, chùa Tây Thiên Di Ðà - Huế trang trí vẽ rồng ở trên cột và trần nhà.
- Bài trí tượng thờ: Việc thờ Tổ trở nên quan trọng hơn, thường bàn thờ sư tổ được đặt ngay sau bàn thờ Phật tạo thành cách thờ Tiền phật hậu tổ (đề cao thờ cúng tổ tiên - sư tổ trụ trì chùa, nói lên vị thế quan trọng của con người trong việc mở mang Phật giáo ở Trung Bộ ). Ví dụ như chùa Quốc Ân (Huế), chùa Từ Hiếu ( Huế), chùa Chúc Thánh ( Hội An) đều có dạng chánh điện (hay còn gọi là đại hùng bảo điện) phía trước thờ Phật, phía sau ngăn ra thành gian thờ Tổ hoặc các tăng chúng quá cố.
Nói chung, việc bài trí tượng thờ tại các chùa miền Trung không thống nhất. Nhưng thông thường các chùa thờ tượng Di Lặc ( tương lai tươi sáng hơn), thờ Quan Âm (cứu khổ cứu nạn cho con người), Ðịa Tạng bồ tát (chống lại thiên tai ác nghiệt tại vùng đất này). Các chùa ở Thuận Hoá thường bị ảnh hưởng đậm nét của phong cách Trung Hoa trong việc tạo tác tượng Phật cùng như bài trí Phật điện, nên nhiều chùa không thờ bộ Tam thế mà chỉ thờ Di đà tam tôn ( tam thánh Tây Phương) hoặc thờ độc tôn đức Thích ca (chùa Từ Ðàm). Một số trường hợp đặc biệt khác như chùa có ban thờ Quan Thánh (chùa Quốc Ân), chùa không có ban thờ Tổ như chùa Thánh Duyên - Huế.
Cùng với hệ thống tượng Phật, các tượng thuộc các tôn giáo khác cũng có phần thay đổi. Trong các chùa Huế ta không thấy tượng Bát Bộ Kim Cương hoặc Mẫu liễu hạnh, thay vào đó là thờ Thiên Yana và Tiêu diện. Xu hướng tạc tượng thờ các ông hoàng bà chúa, quan lại nhà Nguyễn đã có công đóng góp xây dựng cho nhà chùa và các vị khai canh khai khẩn tương đối phổ biến ở đây.
Ví dụ ta có thể thấy cách bố trí tượng thờ của chùa Thập Tháp Di đà tại Bình Ðịnh như sau: khu chính điện thờ Tam thế Phật và tượng Phật Quan âm, nhà Phương trượng phía sau thờ sư tổ, khu đông đường và tây đường có nơi thờ phụng sư Nguyên Thiều, các sư trị trì khác và Phật tử.
nhànhlantím - October 12, 2004 02:34 PM (GMT)
3. Chùa đồng bằng Nam Bộ
a. Quá trình ra đời và phát triển Phật giáo:
Nếu kể cả các di tích của thời Phù Nam, Chân Lạp, văn hoá óc Eo và Khơ me thì ngôi chùa thờ Phật có mặt ở miền Nam là rất sớm. Còn chùa tháp của người Việt ở miền Nam thì chỉ có mặt từ thế kỷ XVII trở về sau.
Ðối với miền Nam, Phật giáo thâm nhập vào bằng 3 hướng chính:
- Hướng từ miền Thuận Quảng, những nhà sư người Việt, người Hoa theo cả đường thuỷ và đường bộ vào Sài Gòn.
- Hướng từ Trung Quốc, những nhà sư theo đường biển từ Trung Quốc vào Sài Gòn.
- Hướng từ Campuchia, những nhà sư theo đường bộ vào Sài Gòn. [28]
Phật giáo Nam Bộ bắt đầu được mở mang cùng với sự khai phá đất đai của di dân. Những ngôi chùa, am đầu tiên được xây dựng khoảng thế kỷ XVII để thoả mãn nhu cầu về tinh thần cho người dân ở vùng đất mới.
Thời chúa Nguyễn, ở Ðàng Trong với địa thế thuận lợi, nơi gặp gỡ của các dân tộc khác nhau, giao lưu giữa các nền văn hoá khác nhau dẫn đến tính chất đa dạng của Phật giáo trong cộng đồng người Nam Bộ đến ngày nay. Các ngôi chùa xây dựng trong thế kỷ XVIII còn lại cho đến ngày nay trở thành đặc trưng cho kiến trúc chùa cổ Nam Bộ như Giác Lâm, Giác Viên...
Phật giáo Nam Bộ thời kỳ Pháp thuộc, Phật giáo bắt đầu bị suy thoái. Từ năm 1860 - 1865, nhiều ngôi chùa cổ bị đập phá hoặc sử dụng làm phòng tuyến, đồn bót... Tình trạng này kéo dài đến những năm 20 của thế kỷ XX. Phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu khởi sắc và có những kết quả nhất định thì chiến tranh lại nổ ra,
Có thể do từ thế kỷ XVI với sự phân chia Ðàng Trong Ðàng Ngoài đã là một mốc quan trọng đối với lịch sử và kiến trúc Phật giáo tại đây. Những ảnh hưởng từ kiến trúc truyền thống Miền Bắc dường như không đến được Miền Nam tạo cho Ðàng Trong các nét đặc trưng rất khác biệt. Chùa ở miền Nam về cơ bản có thể chia thành 2 loại: kiến trúc cổ và mới và mang những hình thức chủ yếu của chùa miền Trung. Tuy vậy phải khẳng định rằng kiến trúc tự viện của phái Nam Tông và Khất Sĩ thì lại ảnh hưởng từ trong Nam ra miền Trung.
b. Kiến trúc công trình Phật giáo:
- Kiến trúc Phật điện:
Chùa kiến trúc gỗ với chính điện nhiều gian thường thấy ở Ðông Nam Bộ như chùa Linh Sơn ( năm 1936 ở Ðà Lạt), chùa Hội Khánh (1745) ở thị xã thủ Dầu Một. Chùa lối chữ khẩu cũng xuất hiện ở một số địa phương do ảnh hưởng chùa Trung Bộ nhưng đến ngày nay thì không còn được phát triển nữa như chùa Long Bàu ( Vũng Tàu) xây dựng năm 1845. Ða số các chùa ở Nam Bộ quay về hướng Nam. Kiến trúc chùa cổ thường gặp với nhiều toà nhà song song nối lại với nhau và phát triển theo chiều sâu. Dạng vì kèo nhà xiên trính (theo cách gọi Nam Bộ) 1 gian 2 chái ở dạng chữ nhất , hoặc nhà xếp đọi (theo cách gọi nhà nông thôn Nam Bộ). Dạng chữ nhị có sân thiên tỉnh ở giữa (chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên xây dựng năm 1805), hoặc dạng nhà chữ tam và có sân thiên tỉnh (chùa Giác Lâm xây dựng năm 1774, chùa Phước Tường năm 1741) . Chùa luôn có sân thiên tỉnh và không gian chuyển tiếp với bên ngoài là hành lang bao quanh các mặt chùa tạo điều kiện cho ánh sáng đi gián tiếp vào sâu bên trong công trình. Ðôi khi mặt bằng chùa cũng có dạng chữ công và chữ đinh. Ðặc biệt có chùa hình vuông do kết cấu chịu lực cột và tường đầu bằng đá như chùa Thiên Thai (Vũng Tàu).
Có một số đặc điểm của chùa Nam Bộ mà hiện nay đã ảnh hưởng đến ngoài Bắc và Trung Bộ đó là thờ tượng Ðức Quan Âm Bồ Tát ngoài sân dạng đài hoặc có mái che và thường được đặt trước chánh điện. Ðặc trưng này xuất hiện trước năm 1975 ở Nam Bộ có thể là do con người ước nguyện cho hoà bình, mong muốn Phật Bà Quan Âm, người ra tay cứu giúp chúng sinh dễ thấu hiểu nỗi đau khổ của con người mà cứu vớt nhanh chóng hơn. ở Nam Bộ, dấu ấn về phong tục cũng được thể hiện qua bình phong án ngữ trước mặt tiền chính điện và ra vào chính điện bằng 2 lối cửa bên.
- Ðặc trưng kết cấu chịu lực:
Những ngôi chùa này đẹp ở kết cấu gỗ, về sự lắp ghép cột, xà, kèo, kẻ... Kết cấu tứ trụ ở giữa, qua hệ thống xà lòng tạo cho các mặt phẳng kiến trúc đạt ổn định về cả 4 phía, tạo thành bộ khung tứ tượng trên mái phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan Ðông Dương. Kèo xuyên (đỡ mái chính) và kèo trính ( kèo góc) đỡ toàn bộ hoành và rui, dễ dàng lợp ngói âm dương xếp chồng nhau lên tới nóc. Dạng nhà này người ta hay gọi là " mái bánh ít". Nói chung, cả kết cấu lẫn hình thức kiến trúc chùa Nam Bộ đơn giản hơn nhiều so với ngoài Bắc. Các cột chịu lực không theo kiểu dáng như miền Bắc mà hầu hết là cột nhỏ, thẳng và cao.
Từ những năm 45 trở về trước, tại Nam Bộ cũng đã xuất hiện những ngôi chùa có kết cấu gạch đá xi măng và chịu ảnh hưởng của hình thức kiến trúc các nước như ấn Ðộ, Trung Quốc, Nhật, Pháp.. Ví dụ chùa Vĩnh Tràng năm 1907 (Mỹ Tho) sử dụng kết cấu gạch đá xi măng có kiến trúc nền cao phỏng theo kiểu kiến trúc đá kiểu cột dầm đền đài ở Campuchia. Chùa Giác Hải tại thành phố hồ Chí Minh với hình thức gần giống một nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng năm 1920...
- Kết cấu bao che:
Mái ngói âm dương kiểu mui luyện, kết cấu mái kiểu " tứ tượng" phổ biến ở chùa Nam Bộ (chùa Giác Lâm). Mái chùa rộng có các sống mái thẳng, đường nóc ngắn, đỉnh mái nhọn và các đầu đao không uốn cong như ngoài Bắc. Ngói âm dương được sử dụng để thoát nước tốt hơn và phù hợp với khí hậu hai mùa mưa nắng của Nam Bộ.
Một số chùa sử dụng tường bằng đá xanh dày khoảng 40 cm như chùa Long Hoà, chùa Thiên Thai. Trang trí mặt tiền các chùa này cũng ảnh hưởng của chùa Hoa, có trang trí nhiều đề tài trên mái và lợp ngói ống như chùa Long Bàn - Vũng tàu, mái chồng diêm như chùa Thiên Thai.
- Ðiêu khắc kiến trúc:
Khác với ngoài Bắc, trang trí chùa Nam Bộ so với đình Nam Bộ thì phong phú hơn rất nhiều. Tuy nhiên chùa Nam Bộ về điêu khắc trên kết cấu gỗ thường ít gặp, chỉ chủ yếu là điêu khắc trên các cửa võng, ban thờ... Ðiêu khắc trên kiến trúc chủ yếu là trên kết cấu bao che là được thể hiện rõ nhất. Các mô típ thường gặp là lưỡng long tranh châu trên bờ nóc (Chùa Giác Lâm, chùa Phước Tường).
- Bài trí tượng thờ:
Chùa Nam Bộ phổ biến việc thờ Tổ ngay trong không gian thờ Phật. Ví dụ chùa Giác Hải (1890), chùa Giác Lâm tại thành phố Hồ Chí Minh. Các vị sư tổ có công hoằng dương Phật Pháp. Thờ tượng Ðạo Lão cũng gặp ở một số chùa, ví dụ thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Ðẩu ở chùa Sắc Tứ Từ Ân . Miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trong khuôn viên chùa Giác Lâm là một minh chứng cho sự cộng sinh của tôn giáo và tín ngưỡng.
Chùa Miền Nam tôn thờ Ðức Thích Ca hoặc Adi Ðà làm chủ đạo. Ví dụ chùa Vĩnh Tràng, Tây An thờ Phật A Di Ðà . Có thể lý giải việc ít tượng thờ tại Nam Bộ như sau: Phật giáo Tịnh Ðộ Tông tôn thờ Ðức A Di Ðà làm giáo chủ với cách tu Phật dễ nhất, chỉ cần niệm nhiều lần tên A Di Ðà Phật là có thể tu Phật và thành Phật. Do đó, với con người Nam Bộ lao động lo cho hiện thực cuộc sống thì đây là cách hiệu quả nhất để theo Phật. Còn một số ngôi chùa chỉ tôn đức Thích Ca trên Phật điện có thể là do ảnh hưởng của Phật giáo Tiểu Thừa , chỉ tôn thờ một mình đức Thích Ca. Những ngôi chùa Nam Bộ là những không gian phong phú gây lên ấn tượng thiêng liêng về Phật cứu độ chúng sinh, về luân hồi chuyển kiếp, về ở hiền gặp lành.
Từ phần nghiên cứu về ba miền như trên, ta rút ra một số đặc điểm khác biệt chính yếu là:
- Xét về niên đại, các ngôi chùa ở Bắc Bộ thường có lịch sử lâu đời từ vài trăm năm đến ngàn năm. Trong khi đó, ở miền Trung, chùa cổ nhất còn lại có thể kể đến chùa Thiên Mụ có lịch sử gần 400 năm, còn ở Nam Bộ thì trên dưới 300 năm.
- Số chùa ở Hà Nội và Huế thường xây từ đầu thế kỷ XX trở về trước, trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 2/3 số chùa xây từ sau năm 1954. Do đó, nhìn chung ở Bắc và Trung, kiến trúc chùa mang vẻ cổ kính hơn.
- Ðặc điểm Phật giáo ở miền Bắc là thống nhất, trong khi đó ở miền Nam có rất nhiều dòng Phật giáo như Tiểu thừa, Ðại thừa, Khất sĩ, Phật giáo nguyên thuỷ... Có thể nói, bộ mặt Phật giáo miền Nam đa dạng không chỉ về hệ phái, về giáo lý mà còn cả là sự hoà quyện với các tôn giáo khác thậm chí sản sinh ra các tôn giáo mới.
- ở miền Bắc không gian kiến trúc nói chung thường thiên về chiều ngang hơn chiều dọc với kiến trúc thường thấy nhất là chữ đinh, chữ công, nội công ngoại quốc. Trong khi ở miền Trung, kiến trúc quy mô nhỏ hơn và thường thấy nhất lại mang dạng chữ môn, chữ khẩu. Khác với hai miền trên, chùa Nam Bộ lại có mặt bằng chữ khẩu, chữ tam thiên về chiều dọc hơn chiều ngang ( đối với các ngôi chùa từ năm 1954 trở về trước).
- Chùa Bắc Bộ thường có quy mô lớn, rất ít chùa xây dựng trước năm 1945 có quy mô nhỏ với dạng một gian hai chái như thường thấy ở miền Trung và Nam Bộ.
- Chùa Bắc Bộ phần lớn chỉ sử dụng cho mục đích thờ cúng của chư tăng và tín đồ, rất ít chùa có giảng đường, trong khi miền Nam thì rất nhiều chùa có giảng đường để làm việc, học tập và tiếp khách của chư tăng trong cùng khuôn viên chùa.
- Tính truyền thống được bảo lưu lâu dài trong kiến trúc chùa Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ do con người coi trọng và có ý thức gìn giữ những thành tựu trong quá khứ. Còn Nam Bộ, kiến trúc chùa vô cùng đa dạng do tính cởi mở của người dân nên kết cấu hiện đại thậm chí mỹ thuật của ấn Ðộ , Nhật Bản, Trung Quốc, Phương Tây... xuất hiện trên hình thức khá nhiều ngôi chùa.
- Về kiến trúc, chùa chiền Bắc Bộ vẫn mang tính chất cổ kính, thâm nghiêm. Chùa Nam Bộ thiên về xu hướng cách tân lộng lẫy. Hai miền cũng có những ảnh hưởng đến nhau ví dụ như một số chùa Nam Bộ có mặt bằng chữ công giống miền Bắc (chùa Vĩnh Nghiêm). Còn hiện nay, với sự du nhập của cách bài trí trong Nam, rất nhiều chùa chiền Bắc Bộ xây tượng Quan Âm Bồ Tát tay cầm cành dương liễu, bình cam lồ trước cửa chùa (Chùa Hưng Ký, chùa Tứ Kỳ).
- Ðiêu khắc trên kết cấu được chú trọng ở miền Bắc với nhiều nền mỹ thuật phong phú trong lịch sử. Ðiêu khắc ở miền Trung và Nam Bộ thường không chú trọng lắm vào hình thức trang trí cho kết cấu mà chủ yếu là trang trí mặt ngoài công trình.
- Hệ thống tượng thờ ở ngoài Bắc đa dạng và phong phú, hầu hết các chùa đều có gian thờ mẫu, ban thờ các nhân vật Nho và Ðạo giáo. Hệ thống tượng tại miền Trung đã giản lược đi rất nhiều, đây đó xuất hiện những chùa thờ Phật độc tôn. Trong khi đó ở Nam Bộ, những chùa cổ có hệ thống tượng tương đối giống miền Bắc, phổ biến kiểu thờ tiền Phật hậu Tổ, ban thờ Tổ đặt ngay sau chính điện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét