Đền Kim Liên
Theo Bee
Đền Kim Liên. |
Đền Kim Liên, ngôi đền trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long thờ thần Cao Sơn, một bộ tướng của thánh Tản Viên.
Đền Kim Liên tọa lạc tại làng Kim Liên, phố Kim Hoa và nay là số nhà 154 đường Xã Đàn, thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa.
Làng Kim Liên cho tới đầu thế kỷ thứ XIX có tên là Kim Hoa, là một trong 23 phường thôn hợp thành tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới đầu đời Thiệu Trị (1811) vì kiêng tên húy của ông vua này nên đổi ra là Kim Liên.
Thần tích, huyền tích về Cao Sơn Đại vương rất phong phú và có những nét khác nhau, nhưng lại đều thống nhất ở một điểm: Cao Sơn chính là một bộ tướng thân cận của Sơn Tinh (thánh Tản Viên), từng cùng với Sơn Tinh chống Thủy Tinh và Thục Phán.
Một truyền thuyết kể rằng, hai anh em Cao Sơn, Quý Minh là người trang Thanh Uyên (nay là xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đã kết nghĩa với Sơn Tinh.
Khi Thục Phán đánh Hùng Duệ Vương, Sơn Tinh triệu hai anh em kết nghĩa này tới cùng chia nhau chống giữ các nơi quan yếu. Có thuyết lại kể rằng, Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em trong số 50 người con theo Lạc Long Quân xuống miền xuôi.
Đền Kim Liên được xây dựng từ năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ ba (1510). Là ngôi đền trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long. Trong Đền có tấm bia "Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh tự" do hoàng giáp Lê Tung soạn vào năm 1510, sau bị mờ và được khắc lại vào năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772).
Nội dung kể về thần Cao Sơn đã "âm phù" Lê Tương Dực (1509 - 1516) dấy quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của nhà Lê.
Thăng Long tứ trấn: Đền Bạch Mã
Theo Bee
Đền Bạch Mã. |
Những câu chuyện huyền thoại về một thuở dựng nước, lập đô bỗng trở nên gần gũi, chân thực hơn bởi vẫn còn đó những chứng tích. Đền Bạch Mã - một trong Thăng Long tứ trấn cũng là một địa danh nhuốm màu huyền thoại như vậy.
Đền Bạch Mã, nằm ở số nhà 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Đây là ngôi đền thờ thần Long Đỗ trấn giữ hướng Đông - hướng Mặt trời mọc. Ông là vị thần thiêng, được dân chúng thời xưa ở Thăng Long rất tôn sùng.
Thần Bạch Mã (còn gọi là Long Đỗ), hiện là Long Đỗ thần quân Quảng lợi Bạch Mã Đại vương. Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô. Tương truyền Đền được xây từ thế kỷ IX.
Theo Việt điện u linh, thần Long Đỗ đã hiện ra trên không trung khi viên quan đô hộ Cao Biền ra chơi ở cửa Đông Thành. Cao Biền sợ hãi liền đem đồng sắt chôn ngay xuống đất ở nơi ấy hòng trấn yểm. Nhưng ngay tối hôm ấy, sấm sét nổi lên làm tan tành mọi thứ bùa yểm đó. Cao Biền hoảng sợ phải lập đền thờ.
Năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhà vua cho xây thành Thăng Long, nhưng xây đắp đến đâu thành lở đến đấy. Ông cầu đảo và thấy có con ngựa trắng từ trong đền Long Đỗ đi ra vòng quanh khu vực xây thành, đi đến đâu để dấu chân lại đến đó, rồi quay trở lại vào đền biến mất.
Nhà Lý xây thành theo vết chân ngựa và xây đến đâu thành vững chãi đến đó. Xây xong thành, vua Lý phong cho thần Long Đỗ làm thành hoàng kinh thành Thăng Long. Từ đó thần cũng có tên là Bạch Mã.
Nhà vua lại phong tặng là "Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần". Thời Trần, năm Trùng Hưng 1 (1285) gia phong mỹ tự "Thánh hựu phu ứng đại vương". Thần Long Đỗ được phong là "Quốc đô Thăng Long thành hoàng Đại vương".
Thăng Long tứ trấn: Đền Quán Thánh
Theo Bee
Đền Quán Thánh (Trấn Vũ Quán). |
Thăng Long tứ trấn là bốn ngôi đền thờ các vị thần trấn giữ ở bốn phương, bảo vệ kinh thành Thăng Long về mặt tâm linh gồm: Quán Trấn Vũ (đền Quán Thánh), đền Bạch Mã, đền Cao Sơn, đền Linh Lang (đền Voi Phục).
Đền Quán Thánh (Trấn Vũ Quán) nằm ở đầu đường Thanh Niên, cuối đường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội), đối diện với tượng đài Lý Tử Trọng - phía nam Hồ Tây. Trên nóc cổng đến có mấy chữ "Chân Vũ Quán", cái tên này mới có từ năm 1840.
Trước đó gọi là Trấn Vũ Quán là nơi tu hành thờ tự của những người theo Đạo giáo, đạo thần tiên có nền tảng ban đầu ở tôn giáo bản địa và đã chịu ảnh hưởng một phần bên Trung Quốc. Lấy Thái thượng Lão Quân (tức Lão Tử) làm giáo tổ và do Thượng Đạo Lăng sáng lập vào thời Đông Hán (thế kỷ I).
Thánh Trấn Vũ thờ ở đây là hình ảnh hỗn hợp, vừa mang dấu ấn nhân vật thần thoại Trung Hoa, lại vừa là một vị thần của truyền thuyết Việt Nam. Theo thần thoại Trung Hoa thì Huyền Thiên Trấn Vũ được Ngọc Hoàng cho coi giữ phương Bắc, có bộ hạ là rắn và rùa.
Thần này có tài trị loài hồ tinh quấy nhiễu dân lành. Theo truyền thuyết Việt Nam, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh 9 đuôi lẩn quất ở núi đá bên cạnh Hồ Tây.
Đền Trấn Vũ (Trấn Võ Quán) được Lý Thái Tổ cho xây dựng ở phía Bắc tòa thành Thăng Long để trấn tà khí từ phương Bắc tràn xuống. Đền được phong là một trong Thăng Long tứ trấn thời Lý. Trong Đền có pho tượng Trấn Vũ đúc năm 1677 bằng đồng đen cao 3,96m, nặng khoảng 4 tấn.
Cùng được đúc với tượng là quả chuông cao tới gần 1,5m, hiện treo ở gác Tam quan. Ngoài ra, ở bên phải nhà Đại Bái, lối đi vào đền trong có một pho tượng đặt trong khám thờ. Tương truyền đó là bức tượng người thợ đã đúc tượng Trấn Vũ.
Thăng Long tứ trấn: Đền Linh Lang
Theo Bee
Cổng đền Voi Phục. |
Đền Voi Phục gắn bó với sự tích Linh Lang Đại vương, người anh hùng có công dẹp giặc, bảo vệ đất nước. Ngoài cửa đền có tượng hai con voi quỳ phục, do đó mà thành tên gọi.
Tên gọi bằng chữ Hán "Linh Lang từ" vì là nơi thờ thần Linh Lang. Ngọc phả ghi rằng: Linh Lang là con thứ tư của Lý Thánh Tông, mẹ là Cảo Nương (có sách ghi là Hạo Nương) vốn người làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm (nay thuộc huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội) sống ngụ ở Thị Trại (Trại chợ).
Tuy là cung phi nhưng bà vẫn được về ở nhà riêng. Một lần Cảo Nương đi tắm ở Hồ Tây bị rồng quấn lấy người, sau đó có mang, sinh ra Linh Lang. Linh Lang vẫn ở với mẹ.
Khi quân Tống sang xâm lược, vua cho sứ đi cầu hiền, tìm người đánh giặc cứu nước. Sứ giả tới Thị Trại, Linh Lang nói với sứ giả về tâu vua sắm cho một thớt voi, một lá cờ hồng cán dài 10 trượng để đi dẹp giặc. Vua theo ý. Thế là Linh Lang cưỡi voi, cầm cờ ra trận và thét lớn "Ta là Thiên tướng". Nghe tiếng thét, tướng giặc kinh hồn phách tán, quân giặc đại bại...
Sau khi thắng trận, nhà vua muốn nhường ngôi cho, nhưng Linh Lang từ chối, trở về Trại chợ. Ít lâu sau chàng bị bệnh đậu mùa rồi từ trần, hóa ra rồng đen đi xuống Hồ Tây. Vua cho lập đền thờ ngay nơi hóa và phong thần. Ngoài ra vua còn miễn mọi khoản phe phen tạp dịch cho dân Trại này để lo phục dịch việc cúng tế ở đền, vì thế đổi tên là trại Thủ Lệ (tức là giữ lệ cúng tế).
Sự tích Linh Lang theo thần phả là như vậy. Gần đây các nhà sử học cho rằng Linh Lang chính là hình ảnh đã thần linh hóa của một nhân vật có thật. Đó là hoàng tử Hoằng Châu đã chiến đấu chống quân Tống vào mùa đông năm 1077 tại Khao Túc trên bờ sông Như Nguyệt và đã hy sinh ở khúc sông này cùng một hoàng tử khác tên là Chiêu Văn.
Như vậy đền Voi Phục (đền Linh Lang) thờ Linh Lang đại vương nằm tại công viên Thủ Lệ, nơi góc đường Bưởi và đường Cầu Giấy hiện nay. Đây là ngôi đền trấn giữ phía Tây Kinh thành Thăng Long.
Tác giả: Tuấn Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét