Đến với Tản Viên là nơi linh thiêng, tâm linh của dân tộc.
Nói đến núi Tản Viên, không ai trong chúng ta không biết đến vị thần số một, một trong “Tứ bất tử” của ViệtNam. Chùa Tản Viên – Đền Trung thuộc quần thể di tích Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng. Đền Trung được thờ chính tại nơi mà anh em Đức Thánh Tản đã tu hành đắc đạo.
Hành trình lên Đền Trung phải đi qua con dốc nổi tiếng – Dốc Sổ, tới UBND xã Minh Quang rồi rẽ trái là lên khu quần thể di tích Đền Trung và Chùa Tản Viên.
Sương mù dày đặc và mây bay lơ lửng, cái không khí lạnh lạnh khi xuyên suốt đèo núi thật tuyệt, một cảm giác như núi rừng thiên nhiên gần hơn với con người.
Ngôi Đại Hùng Bảo Điện hiện ra với vẻ uy nghi, tráng lệ, đó là nhân lực, vật lực và công sức nhân dân và đầu tiên phải nói tới Đại đức Thích Đạo Thịnh – người đã có công lớn nhất trong việc khôi phục lại một di tích tâm linh của người Việt.
Giữa chính điện là pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (cao hơn 7 mét), được tạo ra dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân người Việt. Hai bên chính điện còn có tượng Bồ Tát Phổ Hiền (phía bên phải) và tượng Bồ Tát Văn Thù (phía bên trái), hai pho tượng đều cao 3,5 mét, hiện nay ba pho tượng này là pho tượng được tạc từ gỗ mít lớn nhất Đông Nam Á.
Ngay tại cửa điện được bài trí hai bên là Trống và Đại Hồng Chuông nặng 1200kg.
Qua cổng Tam quan rêu phong và khoảng sân rộng, phía trước là bậc đá lên gian thờ chính. Kiến trúc hiện còn là 3 gian hậu cung, gian chính giữa có thờ 3 tôn tượng của “Tam Vị Đức Thánh Tản”. Phía trước nhà hậu cung là nhà tiền tế. Thời gian đã khắc họa lên khu di tích một nét đẹp cổ kính. Tại đây, mọi người có thể phóng xa tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ cảnh đẹp của sườn tây dãy núi Tản Viên.
Khu di tích chứa đựng những dấu ấn thời gian, chìm đắm trong không gian của núi rừng thiền định đã mang lại cho chung ta những cảm xúc thật khó tả. Thăm Đền Trung, thăm chùa Tản Viên và để trải nghiệm thêm những giá trị của cuộc sống mà trên bước đường đời đâu có dễ gì gặp được./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét