Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Đình Chu Quyến: Công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc xứ Đoài

Sau 3 năm tiến hành tu bổ, tôn tạo (4/2007 - 9/2010) do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) triển khai, thực hiện, đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng) thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội đã hoàn thành. 

Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ thành Hoàng làng là Nhã Lang Vương, con của Hậu Lý Nam Đế Phật tử. Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được lưu giữ, đáng chú ý nhất là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong phần cho Nhã Lang Vương. Mặt khác đình Chu Quyến còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc sống đối với người dân trong làng cũng như các làng xung quanh, bởi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp bàn việc làng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội của cộng đồng làng xã cùng với các trò chơi dân gian đánh cờ, đấu vật thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng tham gia. Với những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, từ năm 1962 đình Chu Quyến đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là một trong những di tích lịch sử văn hóa quan trọng của quốc gia.
Đình Chu Quyến trước khi tu bổ.

Tuy nhiên trải qua hơn 400 năm tồn tại, cùng với sự thăng trầm của lịch sử, sự tác động của thiên nhiên và của cả con người, đình Chu Quyến đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đứng trước thực trạng đó từ năm 2007, Bộ VHTTDL đã phê duyệt dự án: “Thực nghiệm tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến” do Viện Bảo tồn di tích đệ trình, triển khai, thực hiện, với tổng kinh phí dự án được phê duyệt 17 tỷ đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ thực hiện dự án, cán bộ, nhân viên của Viện đã lập hồ sơ, thiết kế một cách bài bản trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện kỹ lưỡng về di tích và ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học để thực hiện bảo tồn, trùng tu một di tích kiến trúc gỗ tiêu biểu để từ đó xây dựng các chuẩn mực về quy trình kỹ thuật, công nghệ trong tu bổ kiến trúc gỗ Việt Nam, dự án được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Đình được trùng tu trên cơ sở kỹ thuật công nghệ truyền thống cùng với việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành với phương châm bảo tồn tối đa những yếu tố gốc và những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, bảo đảm độ bền vững lâu dài của di tích”. Đángchú ý trong quá trình trùng tu, cán bộ của Viện đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, khảo sát di tích một cách toàn diện để hiểu biết di tích một cách đầy đủ nhất và các tác nhân gây hại cho di tích.
Đình Chu Quyến sau khi tu bổ.

Chính từ việc khảo sát cẩn trọng, quá trình trùng tu trên cơ sở sử dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc với phương châm giữ nguyên trạng những thành phần gốc của di tích, sau 3 năm triển khai, toàn bộ việc trùng tu đình Chu Quyến đã hoàn thành và vẫn giữ được nét đẹp của một ngôi đình cổ xưa. Qua thực tế cho thấy với kết quả trong việc trùng tu, tôn tạo đình Chu Quyến do Viện Bảo tồn di tích triển khai, thực hiện là những bài học, kinh nghiệm hết sức có giá trị trong việc xây dựng những chuẩn mực trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc của Việt Nam.
Kiến trúc
Phối cảnh kết cấu không gian đình Chu Quyến.
Đình Chu Quyến, còn có tên là đình Chàng, ở làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội (thuộc Hà Tây cũ).
Đình lớn nhất xứ Đoài, có ba gian chính và hai gian phụ, dài 30m, bố cục hình chữ nhật. Có tám hàng cột dọc và sáu hàng cột ngang. Bốn cột cái ở gian giữa có chu vi 2m, kê trên bốn viên đá tảng vuông mỗi cạnh 1m. Bốn cột bên có bốn bức tượng gỗ, một người cưỡi hổ, một người cưỡi voi, một người cưỡi ngựa và một người cưỡi con công.
Các vì kèo có cấu trúc theo lối chồng rường, thượng thu hạ cách. Mái lợp ngói ta, bờ nóc có gắn hai hàng gạch, trong đó có một hàng gạch hộp có hoa, các đầu đao uốn cong tạo nên dáng thanh thoát, không nặng nề, trên bờ đầu đao có gắn tượng rồng và dây cuốn. Không có tường vách, trong đình có sàn gỗ chia thành ba tầng cao thấp để phân ngôi thứ trong làng thời xưa.
Gian chính giữa là gian thờ, có cửa võng chạm trổ tinh vi hình hoa, lá, rồng, phượng, trên có ván lát trần.
Điêu khắc đình Chu Quyến gồm nhiều tượng tròn và hoạt cảnh kéo dài, tuy không lớn. Các tượng chim, phượng, người cưỡi báo cao từ 0,6m đến 0,9m, gắn trên các giá đỡ ở cột là các tác phẩm độc lập và hoàn thiện. Trên các xà cốn, ván nong, cửa võng, bàn thờ và tám cánh cửa đều có chạm trổ hoa văn rồng phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn châu ngọc, rồng và người, rồng và hổ, hình chim phượng mẹ và đàn phượng con quấn quýt bên nhau. Cảnh sinh hoạt của con người gồm có cảnh người dắt voi đứng hầu, người uống rượu, cảnh nộp gà cho quan trên, cảnh gảy đàn, hát múa chọi gà, xen kẽ với hình hoa, lá, mây... Chung quanh đình, xây tường thấp bằng mặt sàn, có trổ các ô hình chữ nhật đứng, đỡ hàng lan can bằng gỗ.
Đình thờ Nhã Lang, con trai đầu của Lý Phật Tử và bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, mẹ của Nhã Lang.
Chưa rõ niên đại xây dựng, đã qua nhiều lần trùng tu. Theo các chữ ghi trên xà có các niên đại sau : "Lý triều Nhân Tông nguyên niên tạo" (Năm thứ nhất đời Nhân Tông triều Lý dựng), "Bảo Đại thập niên trùng tu" (Trùng tu năm Bảo Đại thứ 10). Trên bia đá trong đình cũng ghi : "Ngày 18 tháng 3 năm Âởt Hợi, niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1935) trùng tu". Theo phong cách điêu khắc của đình, có thể đoán rằng đình được dựng vào thế kỷ XVII.

Chi tiết điêu khắc
Chi tiết điêu khắc bên trong đình Chu Quyến.
Uống rượu (đình Chu Quyến).
Rồng chầu (đình Chu Quyến).
Đình rộng, mái thấp, sàn cao, xung quanh thoáng đãng, tạo cảm giác cho mọi người tham quan: đứng chỗ nào cũng thấy những khối gỗ to mập nặng nề như lơ lửng ngay trên đầu. Để xóa bỏ cảm giác khó chịu đó, những nghệ nhân dựng đình đã “hóa thân” cho các khối gỗ thành các tác phẩm tạo hình: hoa lá, mây trời, rồng, phượng, các con thú và các cảnh hoạt động của con người như làm ruộng, táng mả vào hàm rồng, người uống rượu, người cưỡi hổ, người cưỡi ngựa, người dắt voi… Tất cả đều phản ánh thực tế xã hội đương thời.
Hằng năm, đình làng Chu Quyến mở hội vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ Nhã Lang, thành hoàng làng. Nhã Lang được nhiều làng thờ nhưng tất cả đều xác nhận Chu Quyến là đất gốc, quê mẹ của Ngài, nơi đây là anh cả mở hội trước, còn các nơi khác mở hội chậm hơn, vào ngày 1/2 âm lịch. Nhưng trước đó đều phải dự hội đình Chàng. Trong ngày hội, ngoài việc tế lễ trang nghiêm, còn có các trò vui như đánh vật, bơi thuyền, đánh cờ tướng, ca hát dân gian… thu hút rất đông người xem.
Giữ "hồn" cho đình Chu Quyến
Không bị “biến tấu”
Trước khi trùng tu (từ tháng 4-2007), khảo sát của Viện Bảo tồn di tích cho thấy tất cả 48 cột của ngôi đình đều tiêu tâm và hư hỏng ở nhiều mức độ, có cột cái đã mục ruỗng gần hết, mái đình lợp đến 51 loại ngói khác nhau và gỗ bị 17 loài nấm gây hại…
Kết cấu mái đình đình Chu Quyến.
Suốt mấy năm qua, quanh đình được che kín, không nhiệm vụ miễn vào, nay thấy "ngôi nhà chung của làng" được dựng trở lại, vẫn bề thế như trước, thêm phần vững chãi, sáng sủa, người dân Chu Minh rất mừng.
Ngày khánh thành công trình tu bổ (7-11) vừa qua, rất đông người ra sân đình tham dự. Ông Nguyễn Quang Nghĩa, 76 tuổi, thành viên đội nhạc lễ của địa phương tấm tắc: Đình được làm lại rất chắc chắn! Cột kèo, các bức chạm không suy chuyển gì. Sàn trước kia bị lỗ, mục, võng cả xuống, giờ thay gỗ tốt cả, mà lan can vẫn nguyên vẹn!
Ông Nguyễn Danh Mi - Hội Người cao tuổi của thôn nói: Trước kia đình xuống cấp, ọp ẹp lắm, cái kẻ đằng sau sắp rơi đến nơi, phải chống tạm, chúng tôi mong được sửa mãi. Nay làm xong, không có gì “biến tấu”, người dân rất vui! Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền - người đã từng phê phán không thương tiếc nhiều dự án trùng tu làm hỏng, làm mới di tích, cũng cho rằng: Thực tế, đã trùng tu thì không thể hoàn toàn như cũ, được 70% là quý lắm! Nhưng với đình Chu Quyến thì được hơn thế. Đó là điều đáng ghi nhận.
Trong thực tế công tác tu bổ di tích còn lộn xộn và thiếu sót rất nhiều như hiện nay, việc trùng tu thành công đình Chu Quyến đã được ghi nhận. Vừa qua, Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) đã trao giải thưởng lớn 2010 khu vực châu Á và châu Đại Dương cho dự án thực nghiệm tu bổ, tôn tạo ngôi đình.
Hạ giải.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trùng tu
Coi việc tu bổ đình như một thí điểm cho việc xây dựng quy trình, nguyên tắc chuẩn nhằm áp dụng rộng rãi cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích gỗ, có lẽ chủ đầu tư là Cục Di sản văn hoá cũng nâng cao ý thức hơn trong việc quản lý, giám sát suốt quá trình thi công. Quy trình mà viện đã thực hiện cho thấy, người ta đã sử dụng các kỹ thuật, công nghệ truyền thống để phục chế vật liệu thay thế và chế tác các thành phần kiến trúc cần thiết.
Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành cũng được ứng dụng để gia cố, tu bổ cấu kiện. Như việc dùng công nghệ vi sinh diệt và phòng chống mối, loại ngói bổ sung tương đồng với ngói cũ được sản xuất đúng chất đất và nung bằng rơm, có cột cái ruỗng 90% từng được đổ bê tông trong lõi, khi trùng tu được gia cố lại bằng lõi gỗ, đảm bảo vững chắc và giữ được phần vỏ bên ngoài đã có khoảng 400 năm…
Độc đáo kiến trúc mái đình đình Chu Quyến.
Ông Trần Lâm Biền "bật mí": Trong tu bổ cũng đã có quá trình "đấu tranh" cẩn thận để làm sao cho đúng, như loại ngói khác đưa đến bị bỏ ngay, gỗ không tốt cũng bị loại…
Như vậy, việc trùng tu đình Chu Quyến đặt ra một bài học chung cho các dự án tu bổ di tích, đó là nhất thiết phải có lực lượng chuyên ngành đảm nhiệm và thực hiện theo những quy trình, kỹ thuật chuyên ngành một cách nghiêm ngặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét