Hội quán Phước Kiến Hội An khởi đầu kiến tạo vào năm 1697, năm Khang Hy thứ 36.
Tiền môn HỘI QUÁN PHÚC KIẾN nhìn từ phía trong.
Hoành phi ghi: TINH THÀNH ĐOÀN KẾT
"Hết lòng thành đoàn kết"
Huyền thoại lập chùa còn lưu trên văn bia tại hội quán khắc ghi năm Càn Long-Đinh Sửu (1757):
一 南 船 扶 救 光 彩 眾 安
... ... ...
Nhất nam thuyền phù cứu quan thể chúng an
... ... ...
“Một chiếc thuyền Nam phò cứu an người có vùng sáng quanh mình.
Kim thân trôi phiêu dạt khốn khổ hơn một năm.
Nương nương đắc tội gì mà phải chịu oan ách như vậy?! Không ai làm đệ tử dựa vào đó mà cầu tiền tài.
Vào giờ trưa, theo dòng nước thỉnh đưa Kim thân lên núi chọn đất rồi xây thành quý. Đến 60 năm sau, khởi dựng lại vì miếu tranh không thể giữ lâu dài. Khoảng tháng ba cùng năm, dân chúng xây miếu ngói”.
Miếu phụng thờ Kim thân tức Đức THIÊN HẬU THÁNH MẪU được đặt tên là KIM SƠN TỰ từ năm 1697. Bia lập năm 1974 ghi việc khởi dựng miếu: " Lúc đầu miếu thờ nhỏ làm bằng cỏ tranh..." (Tối sơ phi cơ kỳ biện mao vi miếu...)
Tam quan chùa Phúc Kiến xây hai tầng. Tầng trên ghi: KIM SƠN TỰ (chùa Kim Sơn) gợi hoài niệm thủa ban đầu ngôi chùa tranh lúc khởi dựng. Tầng dưới ghi: PHÚC KIẾN HỘI QUÁN theo lối chữ triện.
Năm 1757, miếu được trùng tu lần thứ nhất. Văn bia lập năm1974 ghi lại như sau:
櫪 經 六 十 餘 年,... ... ...
Lịch kinh lục thập như niên nhân mao miếu nan dĩ cửu trì toại ư Càn Long Đinh Sửu niên, công nguyên, nhất thất ngũ thất niên, đồng nhân cự tư hưng kiến ngõa miếu. Tái danh vi MÂN THƯƠNG HỘI QUÁN duy thời.
”Trải qua hơn sáu mươi năm, nhân vì miếu tranh khó bảo trì như ý nên vào năm Càn Long - Đinh Sửu, công nguyên năm 1757, mọi người góp tiền của xây miếu ngói, đặt lại tên MÂN THƯƠNG HỘI QUÁN, một thời.”
Văn bia trong tiền đường
BỔN HỘI QUÁN TRÙNG TU CẬP TĂNG KIẾN TIỀN MÔN BI KÝ
Năm 1849, trùng tu lần thứ nhì. Văn bia lập năm1974 ghi lại như sau:
館 舍 憔 隘 及 於 道 光 己 酉 年 公 元, 一 八 四 九 年,... ... ...
Quán xá tiều ải cập ư Đạo Quang Kỹ Dậu niên, công nguyên nhất bát tứ cửu niên, tăng kiến hậu điện cúng phụng LỤC TÁNH VƯƠNG GIA nhi tiền điện, diệc đồng thời trùng tân tu kiến tòng.
“Hội quán trũng hẹp nên vào năm vua Đạo Quang- Kỷ Dậu, năm 1849 công nguyên, tôn tạo hậu điện để phụng thờ LỤC TÁNH VƯƠNG GIA, theo đó tiền điện đồng thời cũng trùng tu mới.”
Xà cò hậu điện thờ Lục Tánh Vương Gia, 12 bà Mụ và Thần Tài
Năm 1895-1900 trùng tu lần thứ ba. Xà cò nơi hậu điện ghi:
光 緒 乙 未 年 四 月 吉 日
... ... ...
Quang Tự Ất Vị niên, tứ nguyệt, cát nhật.
Phúc Kiến bang, Bang trưởng, Tổng lý chúng thương đồng trùng tu
“Quang Tự năm Ất Mùi (1895), tháng tư, ngày tốt.
Bang Phước Kiến, Bang trưởng, Tổng lý chúng thương cùng tu sửa”
Tam quan chùa Phúc Kiến tồn tại từ năm 1900 đến 1974
(Ảnh photo Vĩnh Tân 1930)
Văn bia tại tiền đình cũng ghi:
“Về sau đến năm vua Quang Tự - Ất Mùi (1895) lại phân từng công đoạn để tu sửa hội quán. Công trình kéo dài đến năm vua Quang Tự - Canh Tý (1900) việc trùng tu toàn diện mới hoàn thành và xưng tên là PHÚC KIẾN HỘI QUÁN”.
Năm 1971-1974 trùng tu lần thứ tư. Văn bia ghi:
“Công nguyên năm 1971- Tân Hợi, tháng mười một, xây dựng tiền môn đã hoàn thành. Tiếp tục đến năm 1974- Giáp Dần, tháng giêng trùng tu cổng tam quan hoàn thành.”
Tam quan xây năm 1974 nhìn từ bên trong
Phía trên là: THIÊN HẬU CUNG, phía dưới là: HUỆ NGÃ ĐỒNG NHÂN
Năm 1993 trùng tu lần thứ năm. Xà cò thứ hai chánh điện ghi:
Công nguyên, nhất cửu cửu tam niên, tuế thứ Quý Dậu, trọng thu, cát đán.
Phúc kiến đồng nhân trùng tu
“Công nguyên năm 1993, Quý Dậu, tháng tám, ngày tốt.
Người Phúc Kiến tu sửa lại”.
Văn bia ghi lại việc kiến tạo, trùng tu, tên gọi hội quán qua các giai đoạn từ năm 1697 đến năm 1974 là văn bản chính thống ghi lịch sử hội quán Phúc Kiến Hội An.
Trích đoạn Việt dịch:
“Ngày nay, hội quán quy mô, mọi người tưởng nhớ những vị kiều dân hiền tài trải qua nhiều đời có công lớn gây dựng nên công tích để lại điều bất hủ..."
Như một lời cầu nguyện, cửa chùa ghi:
QUỐC THÁI - DÂN AN
CHÁNH ĐIỆN
Là Thiên Hậu Cung thờ Bà THIÊN HẬU THÁNH MẪU.
Về nguồn gốc Thiên Hậu Thánh Mẫu:
Sau khi đối chiếu các tài liệu ở miếu chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Hội An, Ninh Hòa, Phan Rí Thành v.v..., xin chọn bài viết của tác giả Quách Tấn Cang để giới thiệu. Riêng bia đá tại chùa Bà tại Phan Rí có ghi thêm: " Vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh tôn Bà là: HỘ QUỐC PHI THƯỢNG ĐẲNG THẦN".
Theo Đại Thanh nhất thống chí, Thiên Hậu Thánh Mẫu tên thật là Lâm Tức Mặc (CN 960-987), con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, người quê ở eo My Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà sinh vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, vào thời Tống Kiến Long nguyên niên (CN960). Tương truyền Lâm Tức Mặc khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, có những vòng ánh sáng lạ xuất hiện chung quanh; Khi lớn lên Bà rất thông minh, hoạt bát gan dạ, hiền lành và có khả năng tiên đoán được sự đổi thay của khí hậu, thời tiết, Bà rất thích đi ngao du tứ hải nên người ta thường gọi Bà là “Long Nữ”.
Bà còn có biệt tài về chữa bệnh, khử tà, bơi lặn, do đó được người dân vùng biển rất thương yêu, kính phục. Từ tuổi hoa niên bà đã phát hiện ra một thứ rong biển dùng nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho dân, và còn tìm ra một thứ dầu ăn gọi là ma mộc rút từ cây thuộc họ vừng giúp dân nghèo qua những trận đói kéo dài...
Theo truyền thuyết dân gian, vào một ngày nọ, cha Bà cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ, nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh; Bà dùng răng cắn vạt áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc ấy mẹ gọi, buộc Bà phải lên tiếng trả lời, Bà vừa hở môi để trả lời thì sóng đã cuốn cha mất dạng, chỉ cứu được hai anh, và cũng theo truyền thuyết này, mỗi khi tàu bè trên biển bị nạn, người ta thường khấn vái, nhờ đến sự che chở của Bà.
Đến đời Tống Ung Hy tứ niên (CN987) ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch bà không bệnh tật, tự nhiên qua đời. Lúc đó Bà mới 25 tuổi. Theo thánh phả bà hóa vào một ngày có quần tiên tấu nhạc. Bốn chữ "Bạch nhật phi thăng" khắc ở cỗ kiệu trong đền của bà nói lên điều đó.
Khi hiển Thánh Bà thường mặc áo đỏ cưỡi thảm bay lượn trên biển để cứu dân gặp nạn
Đời Nguyên Bà được phong làm Thiên Phi, sau đến đời Thanh, vua Khang Hy gia phong cho Bà làThiên Hậu và danh hiệu này còn được lưu truyền đến ngày nay. Người dân Trung Hoa tôn bà là Thần Biển nên di cư đến đâu mang thần tích, lập đền thờ đến đó. Cho nên ta không lấy làm lạ, dọc theo bờ biển nước ta có nhiều nơi lập đền thờ Thiên Hậu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn thế giới có khoản 1.500 ngôi miếu thờ Bà, trong đó có ba ngôi miếu lớn: Thứ nhất là Miếu Tổ Thiên Hậu ở eo My Châu, tỉnh Phúc Kiến, thứ hai là Miếu Má Tổ ở Bắc Cảng, Đài Loan và cũng chính vì thế mà nơi đây có tên là Macao, thứ ba là Miếu Thiên Hậu ở Thiên Tân, Trung Quốc.
So sánh với những điều được ghi tại các bia đá ở một số Hội Quán, một số truyền thuyết về Bà Thiên Hậu có nhiều khác biệt, nhưng tựu trung mọi nơi đều ca ngợi, suy tôn Bà là một phụ nữ đức hạnh, có lòng hiếu thảo, xã thân cứu người và khi chết được hiển linh.
Bà con người Hoa muốn thông qua tấm gương của Bà để giáo dục cộng đồng học tập tấm gương hiếu thuận, đức nhân hậu, sống có đạo nghĩa, giúp đỡ mọi người.
Theo ông Kim Tui - Thái Chấn Phong, Bang trưởng đời thứ 25 Bang Phúc Kiến Hội An (Thái Đạo Trinh, hiệu Đức Thắng đường Cường Để) kể: "Ông nghe những vị tiền bối kể rằng trước đây các thương nhân Phước Kiến trong hải trình đến gần Hội An có gặp một thúng chai lênh đênh trên biển, trên đó có tượng Bà phết nhụ vàng và một tờ giấy có ghi rõ tượng Bà Thiên Hậu. Mọi người xin thỉnh tượng về để thờ tại Hội An".
HẬU ĐIỆN
Điện giữa thờ Lục Tánh Vương Gia là sáu vị võ tướng đồng thời là thầy thuốc cùng sinh ở Phúc Kiến nhưng sống những thời khác nhau. Trên long ngai của các vị Vương gia có ghi các họ là: KHÂM, TRƯƠNG, THUẤN, CHU, THẬP, HUỲNH.
Lễ vía Lục Tánh Vương Gia vào ngày 16 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Tượng LỤC TÁNH VƯƠNG GIA được thỉnh từ đời vị Bang trưởng thứ tám Thái Tế Trình.
Điện gian tả (đông) thờ ba Bà Chúa Sinh Thai và mười hai Bà Mụ. Ba Bà Chúa Sinh Thai được thờ bậc trên, các Bà là nữ thần bảo hộ hài nhi:
1/ Quỳnh Tiêu Thiên Đế Bà
2/ Bích Tiêu Thiên Vương Bà
3/ Vân Tiêu Thiên Thai Bà
Bậc dưới thờ 12 Bà Mụ coi việc sinh nở tạo nắn hình hài giáo dưỡng ấu nhi. Các Bà Mụ có chung một danh xưng:
Kim Hoa Nương Nương
1. Trần Tứ Nương coi việc sinh nở
2. Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén
3. Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai
4. Lưu Thất Nương tạo giới nam, nữ
5. Lâm Nhất Nương chăm sóc bào thai
6. Lý Đại Nương coi chuyện chuyện chuyển dạ
7. Hứa Đại Nương coi chuyển hộ sản
8. Cao Tứ Nương coi việc ở cử
9. Tăng Ngũ Nương chăm trẻ sơ sinh
10. Mã Ngũ Nương ẵm bồng trẻ con
11. Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ
12. Nguyễn Tam Nương giám sát việc khai hoa
Những bức tượng này được thỉnh từ Trung Hoa, không phải di dời từ chùa Bà Mụ đến.
Điện gian hữu thờ Ngài Thần Tài. Ông tên Triệu Công Minh, người đời nhà Tần, ông lánh đời đi tu đắc đạo tại núi Chung Nam. ông được phong là Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái coi việc cứu bệnh trừ tai họa.
TÀI THẦN GIA trông coi tiền bạc
Về một món ăn truyền thống ngày tết tại Hội Quán Phước Kiến ngày xưa.
Cũng tại vị trí của 3 hồ này (2 hồ dài đối xứng qua hồ tròn mà ngày xưa hồ tròn này cũng hình chữ nhật). Nghe kể lại, khoảng tháng chạp, người ta mua cá diếc về nuôi trong 1 hồ dài để thải chất có sẵn trong bụng cá. Được một tuần đem thả qua hồ dài thứ hai, lúc này cá được nuôi với thức ăn tuyển chọn. Dịp đầu năm, người ta bắt từng đợt cá thả vô hồ giữa, lúc này cuộc thi được thực hiện. Người vớt được cá sẽ đem nhúng giấm, cho đến khi cá chín phải xong một bài thơ ra đề sẵn, người vớt không được sẽ bị phạt lấy tiền sung quỹ để tổ chức cho năm tới. Món ăn này được gọi là XƯƠNG CẦM 擒 昌.
Tại vị trí hồ cá này vào khoảng năm 1959, bà Thúy Nga vợ nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ đã hát bài "Gánh lúa" của Phạm Duy trên một sân khấu thô sơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét