“Rường” là một cách nói rút ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù to lớn đến đâu, nhà rường Việt Nam cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng. Số gian trong nhà được phân định bằng các hàng cột. Chỉ có hai chái ở đầu nhà là được phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn.
Huế xưa kia là kinh đô của một nước có nền kiến trúc trọng mộc, cho nên từ các cung điện trong thành nội, các dinh, phủ vương công, cho đến nhà cửa của thị dân khá giả ở đây đều thuộc dạng nhà rường. Tuy nhiên, khi nhắc đến nhà rường Huế ai cũng mường tượng ngay ra những tư thất kính cẩn nghiêm trang, nhưng ấmcúng. Xen vào đấy là vài nét phong lưu đặc thù của chốn Thần Kinh.
Có thể nói một khía cạnh của đời sống ở đế đô đều bị ảnh hưởng, chi phối bởi những tục lễ nghi. Phép vua thua lệ làng ở đâu đó, chứ không bao giờ ở Huế. Vì thế chuyện trọng đại như việc xây nhà ở đây đương nhiên phải tuân theo đủ thư phép tắc. Một đạo dụ ban ra năm Minh Mạng 3 (1822), ấn định rằng tất cả các nhà xây bên ngoài Đại Nội, dù là của hoàng thân quốc thíc hay trưởng công chúa, đều không được vượt quá 3 gian 2 chái. Do vậy mà các nhà Huế xưa chỉ có một hoặc ba gian hai chái. Vài cái nhà rường 5 gian 2 chái ở Huế hiện nay đều là nhà mới xây, hoặc do chủ nhân mua mấy cái nhà cũ, lược bỏ những phần không ưa thích hoặc không cần thiết, rồi lắp lại mà thành. Thật ra thời trước thỉnh thoảng cũng có trường hợp ngoại lệ, thí dụ như nhà của cụ Đông Các đại học sĩ Thân Trọng Huề ở Gia Hội. Chủ nhân đã thay hai chái bằng hai gian, để căn nhà trở thành 5 gian không chái, và như vậy không phạm vào phép vua.
Vì phải gánh chịu nhều mưa bão cho nên nhà ở Huế thường không đươc xây cao lắm. Làm thế cũng để tránh không vượt quá chiều cao của Hiểu Lâm Các, cấu trúc cao nhất trong Đại Nội. Thêm vào đó mái nhà Huế có độ dốc lớn để nước mưa thoát được nhanh, cho nên nhà rường Huế đa phần có diện tích nhỏ. Ngôi nhà rường một gian hai chái ít khi quá 8 thước tây, và một căn ba gian hai chái dài nhất cũng chỉ đến 15 thước. Nếu nhà đông người, gia chủ phải xây thêm các nhà phụ, nhà ngang. Để bù đắp cho sự khiêm tốn về kích thước nhà, Người Huế cho chạm, khảm các kèo, xà và vách ngăn một cánh hoành tráng, nhiều khi đến mức thái quá. Mỗi đòn, kèo của nhà rường Huế là một bức hoạ nổi, với đủ loại đề tài, hoa văn, tuỳ theo khiếu thẩm mỹ và chí hướng của chủ nhân. Nhiều ngóc ngách không ai để ý đến có khi cũng được chạm trổ bằng những chi tiết nhỏ nhất mà mắt thường có thể thấy được.
Người Huế xưa không chuộng gỗ lim, vì họ cho rằng loại gỗ này rất độc, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thêm vào đấy lim là loại thiết mộc không thể tự huỷ, trái với quy luật sinh lão bệnh tử của nhà Phật. Vì vậy lim được coi là loại gỗ bất tường, không nên sử dụng trong việc làm nhà. Thay vào đó, nhà rường ở Huế được làm từ các loại gỗ bản địa phổ thông như kiền, gõ, và nhất là mít rừng từ Quảng Trị.
Thật ra người Huế không dùng gỗ lim làm nhà có lẽ cũng chỉ vì phép vua. Từ triều Minh Mạng đã có chỉ dụ cấm thường dân sử dụng gỗ lim. Về sau điều này được khẳng định bằng một đạo dụ năm Tự Đức thứ 14 (1861). Nếu gỗ lim thực sự độc hại như thế thì tại sao các cột trong Đại Nội, kể cả ở cung hoàng thái hậu, đều dùng loại gỗ này? Có lẽ người xưa đã thêu dệt các lí do độc hại nói trên, để làm cớ cho dân chúng tuân lệnh vua dễ hơn.
Phần chính của một căn nhà rường ba gian hai chái ở Huế trung bình có 56 cột. Số lượng kèo, xà và đòn tay cần phải chạm khảm vì thế hết sức rất nhiều. Từ đỉnh hàng cột nhất đến đỉnh hành cột nhì chỉ nên có 5 đòn tay, để phù hợp với chữa Sinh của luật sinh, lão, bệnh, tử. Một toán 4 thợ mộc và 4 thợ chạm gỗ sẽ phải tốn hơn hai năm để hoàn thành một ngôi nhà loại ba gian. Đấy là trong trường hợp gia chủ có thể sắm sửa đầy đủ ngay mọi vật liệu. Có nhiều người phải dành dụm cả đời, hoặc từ đời cha tới đời con, mới có thể dựng nỗi một căn nhà rường. Hiện ở Huế vẫn còn một số nghệ nhân, nhiều người rất trẻ, có thể chạm, khảm các loại hoa văn trên kèo, vách nhà rường một cách tinh xảo, chẳng khác gì ngày xưa.
Khi phần mộc và các chất liệu đã sẵn sàng để dựng nhà, gia chủ phải chọn một ngày tốt để làm lễ thượng lương, tức là lễ dựng đòn nóc, tiếng địa phương gọi là đòn đôông. Lễ vật chính trên bàn thờ là cái đòn đôông. Giữa đòn treo một lá cờ bùa Bát quái trấn trạch, trên có ghi ngày làm lễ và tuổi của gia chủ. Phần trên của bùa có gắn hai nhánh thiên tuế để cầu cho sự trường tồn của căn nhà. Mép dưới lá cờ có gắn 2, 4, hoặc 6 đồng tiền cổ cầu việc tài lợi hanh thông cho chủ nha sau này. Ngoài hương hoa trà quả, trên bàn thờ còn có một đĩa gạo, muối, hột nổ (các viên bộ nhuộm ngủ sắc rồi rang phồng lên, chỉ để cúng tế), và bạc tiền mã của gia chủ. Người thợ cả và các thợ khác mỗi người cũng đặt một đĩa gạo tiền trên bàn thờ để xin lộc của lá bùa. Riêng thợ cả phải để một cái khăn đầu rìu màu đỏ trên đĩa gạo của mình, và anh ta sẽ chít khăn này khi dựng đòn.
Khi hành lễ, gia chủ hoặc người chủ lễ phải khấn bài khấn thượng lương, với năm câu phụng thỉnh các vị tiên, tổ sư của nghề xây nhà. Một trong các vị ấy là Lô Ban, người Xuân Thu (770-475 trước CN), Trung Quốc. Ông chế ra các dụng cụ của thợ mộc như đục, cưa, thước, và được đời sau tôn làm tổ sư ngành xây dựng. Vị thứ hai không kém phần quan trọng là bà Cửu Thiên Huyền Nữ, chúa tể của các mọi vật liệu trong thiên nhiên. Phải khấn để xin bà cho phép lấy cây ở rừng về làm nhà. Mỗi câu khấn thật ra có mục đích để trấn một gian hoặc chái của căn nhà. Nếu đây là nhà một gian hai chái thì bài khấn chỉ cần có ba câu đầu. Sau khi lễ xong, gia chủ phải là người đầu tiên đỡ tay vào đòn. Sau đó người thợ cả, rồi đến các người thợ sẽ đỡ giúp tay đòn. Trong trường hợp gặp ngày tốt phải làm lễ ngay mà chưa kịp có đủ ngói lợp, người thợ cả sẽ gói hai viên ngói và treo bên cạnh cờ bùa bát quái. Lá bùa này được giữ trên đòn nóc vĩnh viễn, hay ít nhất cũng đến ngày lễ tân gia.
Hướng mặt tiền của căn nhà không nhất thiết phải là hướng nam, mà nhiều khi được ấn định bằng việc xem tuổi của gia chủ. Nhưng xem hướng nhà không quan trọng bằng việc đo lường ấn định kích thước của nhà, và nhất là cửa, ngõ. Người Á Đông xưa dùng thước Lỗ Ban để đo đạc trong quá trình dựng nhà. Hiện có nhiều loại thước Lỗ Ban khác nhau, thí dụ như thước của Trung Quốc, Nhật, Lào và Việt Nam. Theo các nghệ nhân lớn tuổi trong nghề dựng nhà xưa ở Huế, vua Gia long đã ra lệnh sửa đổi các thước Lỗ Ban cổ, bằng cách thêm 4 phân (khoảng 2cm) vào mỗi loại thước, để cung điện được triều Nguyễn xây sau này sẽ khác với các triều đại trước, cũng như với ngoại bang.
Có hai loại thước Lỗ Ban được dùng trong việc xây nhà ở Huế ngày xưa. Loại đầu tiên là Bát mộc xích, dài 42,7cm, để đo cột, kèo và mọi chiều dài rộng trong nhà. Loại thứ hai quan trọng hơn, là Bát mộc xích, dài 28,4cm, để đo chiều rộng cửa, ngõ. Mỗi thước Lỗ Ban được chia làm 8 cung, trong đó có 4 cung cát (tốt lành) và 4 cung hung (xấu). Mỗi cung lại chia làm 4 phần. Thí dụ như cung Phước Đức có 4 phần: Âm Đức, Thiên Sanh, Lục Hạp, Nghênh Phước.
Đo cửa là điều quan trọng nhất trong việc làm nhà. Kích thước của đất và nhà có thể vì khả năng, tài lực của gia chủ mà thay đổi. Nhưng dù đất có nhỏ đến đâu cũng phải có cửa, và cửa được coi là linh hồn, sinh lực của căn nhà. Người xưa tin rằng chỉ xê xịch vài phân chiều rộng của cái cửa cũng có thể đổi hẳn vận mệnh của chủ nhà.
Một nhà 3 gian có 9 cửa ở mặt tiền, và các cửa phải được đo kỹ như nhau. Chiều rộng tương đối của mỗi cửa do gia chủ chọn được đo bắt đầu từ cạnh bên trái. Khoảng còn lại cuối cùng, không đủ một thước, sẽ được ứng vào cung, phần mà gia chủ ấn định. Thí dụ nếu chủ nhà đứng tuổi và mong trường thọ thì chiều rộng cửa sẽ được ứng vào phần Thiên Sanh của cung Phước Đức. Nếu gia chủ muốn con cái sau này thi đậu, thành đạt, thì sẽ đo cửa vào phần Đăng Khoa của cung Tài Lộc. Không đo kỹ mà để chiều rộng rơi vào các cung hung, thí dụ như cung Lục Hại, thì sau này sẽ có nguy hiểm. Cả ngõ vào nhà cũng phải được đo tương tự. Để tăng thêm phần hiệu lực của thước Lỗ Ban, người thợ cả sẽ phải khấn ba lần một bài chú Khai môn bằng chữ nho khi đo cửa, ngõ. Câu chú vẫn dùng ngày nay ở Huế do Thượng thư bộ Lễ Phan Thanh Giản sao lại và ban ra ngày 20/5 năm Tự Đức thứ 9 (1856). Hiện nay người Á châu ở khắp nơi, kể cả nước Âu Mỹ, vẫn dùng thước Lỗ Ban để ấn định chiều rộng của cửa chính khi xây nhà.
Tục truyền rằng trong khi xây nhà, gia chủ phải dùng lễ để đối đãi với các thợ, nhất là thợ cả. Những người thợ nhà nghề nhưng ác tính thủa xưa có thể dùng bùa Lỗ Ban để hại gia chủ nếu họ bị ngược đãi. Bùa Lỗ Ban có ban hạng thượng, trung, hạ. Mỗi hạng lại có 16 cặp để yểm giải. Người thợ xem cờ bùa thượng lương để biết rõ can, mệnh, tuổi gia chủ tuỳ theo căn cơ cao thấp của chủ nhà mà chọn bùa. Thường thì người ta viết một lá bùa nhỏ rồi dấu vào khe đòn tay, kèo, hay chân cột khi thuận tiện. Cũng có khi người ta yểm thêm vào đấy một con ngựa và một cái kiếm khắn nhỏ. Nhưng người thợ cao tay ấy chỉ cần dung tay trái vẽ bùa lên không rồi vỗ tay vào cột chính là đủ.
Phức tạp như thế nhưng vẫn chưa xong, người xưa còn phải rất cẩn thận khi thiết kế đất vườn chung quanh nhà. Mỗi thứ cây đều có hàm một ý nghĩa nào đó. Thí dụ như tùng, bách là cây Tiên Lão trường sinh, chỉ trồng ở các lăng tẩm. Ngô đồng là cây quân tử, nên trồng trước nhà. Đào ngăn quỷ, nhưng quỳnh chiêu gọi ma. Mít lấy từ chữ Phạn paramita, (phiên âm Hán Việt là ba - la - mật - đa), có nghĩa là giác ngộ, giải thoát, cho nên hay trồng bên chùa. Cây vã đem lại sự không may nếu trồng gần nhà, vì “mỗi cây vả ngả một người’. Rồi lại còn các quy cách như “đông đào tây liễu”, “cau trước chuối sau”... rất phức tạp.
Trên đường vào trước nhà phải xây một bức trấn phong để ngăn chặn tà ma xâm nhập. Sau đó lại có hòn giả sơn để phụ cho trấn phong. Bên cạnh mục đích mỹ thuật trang trí, giả sơn thường được làm với những dạng có hình thức Lão giáo, thí dụ như Tam sơn, Bồng Lai tam đảo, Ngũ nhạc, Lý ngư vượt Vũ môn, để nếu có ác sự nào vượt được trấn phong thì sẽ bị lạc lối và ở lại tiêu dao trong cácnơi núi non tiên cảnh này. Người xưa rất sợ trường hợp thay vì một hòn giả sơn, vì không am hiểu họ lại có một "gò mã ma ở” do thợ có ác ý đắp trước nhà.
Các tục lệ, tin tưởng, nghi lễ trong việc xây nhà rường trước đây là những yếu tố hình thành của nền văn hoá Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu tâm nguyện của người xưa được đặt vào mới tạo nên một ngôi nhà rường. Tất cả có lẽ đều có mục đích để cho người ta trân trọng, gắn bó với căn nhà hơn.
Theo Trịnh Bách
|
Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014
Dựng nhà rường Huế xưa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét