Phật giáo được coi là một triết thuyết nhiều hơn là một tôn giáo đích thị. Phật chỉ là một triết gia đi tu và giác ngộ. Triết thuyết Phật giáo bị ảnh hưởng một phần của Ấn-Độ giáo vì Đức Phật Thích Ca vốn là một tín hữu của Ấn Giáo Bà La Môn.
Vũ Trụ giáo có mặt trong Ấn giáo. Ta đã biết Vũ Trụ giáo là một thứ tín ngưỡng lâu đời nhất của loài người kế tiếp theo sau sự tôn thờ sinh thực khí. Vũ Trụ giáo còn để lại nhiều ảnh hưởng trong các tôn giáo lớn ngày nay như Ấn-Độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo (xem những bài viết riêng).
Tuy nhiên Vũ Trụ giáo trong Ấn-Độ giáo cũng không thuần khiết hay đã du nhập từ ngoài vào. Trong Ấn giáo, Vũ Trụ giáo đã biến dạng, nhiều khi không còn chính thống, trở thành Thần Vật giáo đã hiện hình dưới nhiều sự thờ bái đa thần và bái vật. Ấn giáo có tới 330 triệu vị thần. Đức Phật đã cải cách Ấn-Độ giáo. Trong Ấn-Độ giáo có đa thần vật, có nhiều bất công cho những tín hữu. Trong Phật giáo, Phật không phải là đấng toàn năng, không có thần linh, không có giai cấp xã hội, giống phái… Khi Phật giáo thành hình, một số lớn tín đồ Ấn-Độ giáo đã mất đi nhiều niềm tin vào Ấn-Độ giáo nên bỏ đạo này theo Phật giáo. Về sau Ấn-Độ giáo muốn lấy lại ảnh hưởng nên đã sát nhập Phật giáo vào Ấn-Độ giáo bằng cách cho Phật Thích Ca trở thành một đấng tiên tri của Ấn-Độ giáo, cho ngài là hóa thân, hiện thân của Thần Vishnu.
Như vậy Phật giáo bị ảnh hưởng của Vũ Trụ giáo có thể qua Ấn giáo hay là trực tiếp. Dù gì thì Vũ Trụ giáo có mặt rất rõ trong Phật giáo và dĩ nhiên cũng biến thể đi it nhiều.
Tháp là một kiến trúc chính yếu và đặc thù thường thấy ở những chùa chiền. Tôi gọi đây là tháp chùa hay tháp Phật. Trong Phật giáo nguyên thủy (Thevada), nhiều khi tháp còn nổi trội và là khuôn mặt chính yếu của chùa chiền ví dụ như thấy ở các chùa ở Tích Lan, Myammar, Thái Lan, Campuchia. Do đó tháp Phật mang một ý nghĩa biểu tượng của triết thuyết Phật giáo.
Như thế tháp chùa bị ảnh hưởng của Vũ Trụ giáo là chuyện hiển nhiên. Hiện nay các nhà nghiên cứu Phật giáo chỉ nhìn tháp chùa theo con mắt nhà Phật, đạo Phật. Tháp Phật được hiểu theo các tượng đài vốn mang ý nghĩa tín ngưỡng thờ phượng trong Ấn giáo. Tháp được cho là mang hình ảnh núi Meru. Núi này có mặt trong Ấn giáo và cả Phật giáo. Núi Meru là Núi Trụ Thế Gian, trong có Trục Thế Giới. Núi Meru là nhà của thượng đế, các vị thần linh và có một khuôn mặt là đỉnh vũ trụ. Ý nghĩa của tháp gắn liền với hai trục tung (thẳng đứng) và trục hoành (trục ngang) của vũ trụ mà giao điểm là tâm của vũ trụ. Tại tâm này cất giữ những di vật (relics) liên hệ tới Phật và Phật giáo (xem dưới). Các trục liên kết với sinh, tử và tái sinh. Về sau theo thời gian tháp mang ý nghĩa biểu tưởng cho vũ trụ quan của Phật giáo.
Theo tôi muốn hiểu thấu đáo, minh bạch, có qui củ và có hệ thống ta phải nhìn tháp chùa dưới lăng kính của Vũ Trụ giáo.
Bây giờ ta hãy tìm hiểu ý nghĩa tháp chùa theo khuôn khổ Vũ Trụ giáo. Trước tiên ta hãy tìm hiểu kiến trúc của một tháp chùa. Kiến trúc của tháp hiển nhiên chuyên chở ý nghĩa biểu tượng của tháp chùa tức vũ trụ quan của Phật giáo.
Tháp là gì?
Tháp Phật Anh ngữ gọi là stupa, Ấn-Độ, Nepal là chaitya, Tây Tạng là chorten, Tích Lan là dagoba (từ này đẻ ra từ pagoda vì thế ở nhiều nơi gọi tháp là pagoda như ở Đại Hàn và nhiều pagoda làm theo hình tháp Phật), Thái Lan là chedi, Việt ngữ là tháp, Lào là thâat, Nhật Bản là to, Hán Việt là ta, Đại Hàn là t’ap, Nam Dương là candi hay chandi…
Tháp có gốc từ Phạn ngữ stupa có nghĩa là nấm mồ vào thời cổ ở Ấn-Độ. Stupa du nhập vào Phật giáo thành tappa rồi thành tap.
Nguyên thủy tro thân, xá lợi Phật được chôn cất trong tháp và được thờ phượng, tôn kính. Tháp trở thành một kiến trúc thờ phượng thiêng liêng.
Sau đó, ở những nơi không có được tro thân Phật, tháp được dùng để các tượng Phật ví dụ như các tháp ở Borobudur, Java, Nam Dương có vòm bầu trống rỗng hình mạng lưới bên trong có tượng Phật ngồi.
Tháp hình chuông có cán trong có tượng Phật ở Borobudur, Java Nam Dương.
Tháp cũng dùng để cất giữ những bảo vật linh thiêng của Phật giáo như kinh Phật. Tại Myanmar ngôi chùa Kuthodaw ở Madalay có 729 tháp nhỏ gọi là pitaka, mỗi tháp chứa một bia đá khắc một trang kinh của bộ kinh Phật thiêng liêng Tri pitaka;
Chùa Kuthodaw ở Madalay, Myanmar có 729 tháp nhỏ, mỗi tháp chứa một bia đá khắc một trang kinh của bộ kinh Phật thiêng liêng Tri pitaka.
trong tháp Seokgatap Đại Hàn có chứa bộ kinh Pure Light Dharani, được coi là một tác phẩm mộc bản cổ nhất thế giới vào khoảng năm 704 và 751 Sau Tây Lịch.
Và tháp để cất giữ tro, thân của các vị cao tăng. Ngày nay tại Lào, tro thân của các vua chúa, vương giả cũng còn được chôn cất trong các tháp chùa.
Ý Nghĩa Tổng Quát Của Tháp Phật.
Hiện nay tổng quát tháp được hiểu là biểu tượng cho vũ trụ quan của Phật giáo.
Vòm tháp biểu tượng cho vòm hư không, vòm trời, Thượng Thế. Đế vuông biểu tượng cho cõi giữa trần gian, Trung Thế và phần hầm biểu tượng cho Hạ Thế. Trục tung thẳng đứng và trục hoành nằm ngang biểu tượng cho các trục vũ trụ. Trục đứng mang hình ảnh của Núi Trụ Chống Trời, Trụ, Cột, Cây và Con Người Nguyên Khởi (sinh ra từ Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Trong Phật giáo, Phật cũng được diễn tả là Trụ Lửa (fiery pillar) (xem dưới) và trục đứng là đường lên Nĩết Bàn.
Giao điểm của hai trục là tâm vũ trụ. Bốn mặt tháp và cửa tháp (nếu có) ứng với bốn phương trời biểu tượng cho tứ tượng. Chỏm tháp biểu tượng cho đỉnh vũ trụ.
Ta thấy rõ tháp chùa mang trọn ý nghĩa của Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo.
Kiến Trúc Bên Ngoài Của Tháp Chùa và Vũ Trụ Giáo.
Bây giờ ta tìm hiểu ý nghĩa hình dạng bên ngoài của một tháp chùa theo triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo. Hình dạng của tháp thay đổi theo thời gian, theo giáo phái của đạo Phật, theo Phật giáo địa phương (đã bị ảnh hưởng thêm của tín ngưỡng, văn hóa địa phương). Tháp có thể có hình cầu tròn, hình trụ tròn hay hình kim tự tháp. Các tháp chùa Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác có thể có các dạng biến thể khác.
Tóm tắt như đã biết, Vũ Trụ giáo có Vũ Trụ Tạo Sinh dựa trên nguyên lý nòng nọc, âm dương, Dịch lý. Qui trình của Vũ Trụ Tạo Sinh gồm những giai đoạn hư vô, thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, vũ trụ tam thế, sinh tử, tái sinh và hằng cửu. Ta hãy quan sát hình dạng tháp qua các lăng kính này.
.Hư vô
Hư vô, hư không chỉ vũ trụ khi còn là một cái bọc rỗng không, còn trung tính gọi là vô cực. Lúc này hư vô được diễn tả bằng một hình cầu hay một vòng tròn đứt đoạn hay bằng một vòng tròn liền khi tiến vào giai đoạn định hình.
Thoạt khởi đầu các nấm mồ thường đơn giản chỉ là những mô, đống đất. Những mộ hình cầu tròn như còn thấy qua những nấm mộ của vua chúa và thường dân Đại Hàn ngày nay. Các ngôi mộ này còn giữ dạng hư vô có hình cầu tròn (xem Tương Đồng Với Cổ Sử Đại Hàn 2).
Mộ gò đồng hình cầu tròn chôn các vua Triều Tiên tại Khánh Châu (Gyeongju), đế đô của Tân La, Silla (ảnh của tác giả).
Tháp nguyên thủy là một ngôi mộ vì thế các tháp chùa nguyên thủy có hình cầu tròn cũng mang nghĩa biểu tượng cho hư vô. Điều này dễ hiểu, con người sinh ra từ hư vô, khi chết được chôn trong các mồ hình cầu tròn hư vô để trở về hư vô. Tháp càng cổ càng có hình này. Ví dụ điển hình nhất là ngôi tháp cổ (dĩ nhiên là) ở Ấn-Độ, nơi Đức Phật lìa thế gian. Tro thân của ngài được chôn cất trong các bảo tháp gọi là Paltap và được gởi đến 8 quốc gia khác.
.Bảo tháp cổ nhất xây cất vào năm thứ nhất Trước Tây Lịch hiện còn tồn tại ở phế tích Sanchi ở Madhya Pradesh có hình vòm cầu tròn, hình bán cầu úp có một khuôn mặt biểu tượng cho hư vô, bầu vũ trụ, bầu không gian.
Phần chỏm tháp hình lọng dù ba tầng biểu tượng cho Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời Sống. Tháp diễn tả trọn vẹn Vũ Trụ Tạo Sinh từ hư vô cho tới Tam Thế biểu tượng bằng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
.Đại tháp hình cầu tròn ở Amaravati, thế kỷ thứ 3 Sau Tây Lịch tại Andhra Pradesh, Ấn-Độ:
Một tấm đá khắc nổi cho thấy hình Đại Tháp ở Amaravati, thế kỷ thứ 3 Sau Tây Lịch ở Andhra Pradesh, Ấn-Độ (Bảo Tàng Viện Anh).
.Chùa Đá Vàng Kyaiktiyo (Golden Rock Pogoda) (thật ra là tháp) ở tiểu bang người Mon, Myanmar hình tháp. Phần chính của tháp là tảng đá tròn nằm vắt vẻo một phần nhỏ trên một nền là một tảng đá khác. Phần bẩu tảng đá của tháp biểu tượng cho hư vô. Phần chóp trên diễn tả Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Tháp diễn tả trọn vẹn Vũ Trụ Tạo Sinh từ hư vô cho tới Tam Thế biểu tượng bằng Cây Vũ Trụ.
Chùa Đá Vàng Kyaiktiyo (Golden Rock Pogoda) ở tiểu bang người Mon, Myanmar.
Theo truyền thuyết tảng đá nằm trên một sợi tóc Phật nên được sợi tóc giữ lại không lăn xuống vực sâu.
.Tháp quả dưa hấu makmo ở ngôi chùa Visounnarat cổ nhất ở Luang Prabang, Lào.
Tháp quả dưa hấu makmo ở ngôi chùa Visounnarat cổ nhất ở Luang Prabang, Lào(ảnh Michelle Mai Nguyễn).
Vua Vixoun được chôn trong tháp hình dưa hấu hình càu tròn này để được trở về Hư vô.
.Thái Cực hay Trứng Vũ Trụ.
Hư vô cực hóa thành nòng nọc, âm dương nhưng nòng nọc, âm dương vẫn còn quện vào nhau. Lúc này thường được diễn tả bằng chữ viết nòng nọc vòng tròn-que là chữ vòng tròn có chấm (xem chữ này trong Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á), trong triết thuyết tín ngưỡng là đĩa Thái cực hay Trứng Vũ Trụ.
Những tháp chùa diễn tả giai đoạn này của Vũ Trụ Tạo Sinh có hình trứng. Ví dụ
.Tháp hình quả bầu Buphaya ở Bagan, Myanmar.
Tháp hình quả bầu Buphaya ở Bagan.
Theo huyền thoại thì vua Pyusawhti, vị vua thứ ba của triều đại Bagan cho xây tháp hình qủa bầu này sau khi chiến thắng diệt được cây bầu khổng lồ có dây đan chằng chịt khắp cả đất Bagan. Dĩ nhiên đây chỉ là truyền thuyết dân dã. Thật sự phải hiểu theo triết thuyết tín ngưỡng, hình quả bầu thon dài hình trứng này diễn tả bầu vũ trụ, bầu trời ứng với trứng vũ trụ, thái cực mang nghĩa sinh tạo, tạo hóa.
Về sau này, trong các kiến trúc tôn giáo, trong đó có Phật giáo, tháp thường có hình dạng quả bầu nậm nòng nọc, âm dương. Tháp hình quả bầu nậm âm dương có phần trụ nhọn (spire) phía trên biểu tượng cho nọc, dương, phần vòm (dome) bầu ở dưới biểu tượng cho nòng, âm. Nhìn dưới dạng nhất thể đây là tháp nòng nọc, âm dương còn quyện vào nhau ở giai kỳ thái cực hay trứng vũ trụ trong Vũ Trụ Tạo Sinh.
Ví dụ như tháp Dhamekh ở Lộc Uyển, Sarnath, Ấn Độ xây vào thế kỷ thứ 5 Sau Tây Lịch. Đây là nơi Đức Phật Tổ Siddharta Gautama thuyết pháp đầu tiên sau khi ngài thành đạo vào năm 528 Trước Tây Lịch. Ngài thuyết giảng cho năm vị môn đồ. Đây là nơi khai sinh ra Phật giáo.
Tháp Dhamekh ở Lộc Uyển (Deer Park) Sarnath Ấn Độ.
Tháp này trông tương tự như một quả bầu khổng lồ có phần trên hình trụ nọc và phần dưới hình bầu vòm nòng mang nghĩa bầu âm dương.
Về sau nữa, tháp bầu nậm biến dạng thành hình chuông có cán nòng nọc, âm dương (phần nọc chỏm tháp là nọc dương, phần bầu tròn ở dưới là nòng âm).
Đức Dalai Lama thường lắc chiếc chuông có cán hình bầu nậm này khi cầu nguyện, tế lễ. Nhìn dưới lăng kính Vũ Trụ giáo, lắc chuông bầu nậm nòng nọc, âm dương này là khơi động sự liên tác giữa nòng nọc, âm dương khởi đầu cho quá trình Vũ Trụ Tạo Sinh…
Ví dụ như tháp Shwewadon ở Yangon, Myanmar:
Tháp Shwewadon ở Yangon, Myanmar.
.Lưỡng nghi
Thái cực phân cực thành hai cực âm và dương.
Có hai dạng:
Một là có hai tháp mang tính nòng nọc, âm dương riêng rẽ đi đôi với nhau. Tháp diễn tả cực âm có hình cầu tròn giống như tháp hư vô. Phải dựa vào các chi tiết khác để phân biệt.
Tháp diễn tả cực dương có hình trụ tròn.
Nhiều khi ở nhiều nơi hai tháp nòng nọc, âm dương này tổng quát trông giống nhau, chỉ có các chi tiết diễn tả nòng nọc, âm dương khác nhau. Ví dụ như ở Phật Quốc Tự, Đại Hàn, có hai tháp cái, âm và đực, dương đều có hình tổng quát hình trụ vuông nhỏ dần khi lên cao. Đó là tháp đá, đực, dương Dabotap ở phía Đông bên phải (lưu ý, phía Đông, bên phải là phía dương, ở đây là phía Đông mặt trời mọc nên tháp mang dương tính).
Tháp đá đực Dabotap, Phật Quốc Tự, Nam Hàn.
Tháp gọi là tháp dương có chỏm tháp hình trụ nọc nhọn cường điệu ở trên một đế hình bát giác. Số 8 là số Khôn tầng 1 có một khuôn mặt là bầu trời, không gian. Phần nọc nhọn là nọc dương, Càn. Chỏm tháp mang nghĩa Càn Khôn. Ta thấy chỏm tháp là dạng dương hóa của chỏm hình bầu nậm nòng nọc, âm dương Càn Khôn. Dabotap là tháp Đa Bảo (Many Treasure Pagoda) cao 10.4 m và để hiến dâng cho Đa Bảo Phật nói trong Kinh Liên Hoa. Dabotap trang trí rất tinh tế, thẩm mỹ làm vào thời đầu của Silla Thống Nhất, khác hẳn với các tháp trước đó.
Tháp có ba tầng không kể chỏm tháp và phần chân tháp (lưu ý nhìn tháp có bao nhiêu mái thì biết tháp có bấy nhiêu tầng).
Tầng thứ nhất ở dưới có mái vuông vững chắc bề thế biểu tượng cho cõi Đất. Tầng 2 có mái tám cạnh thon gọn, nhẹ nhõm. Số 8 là số Khôn tầng một. Ở đây là tháp dương, Khôn có khuôn mặt Chấn đại diện. Tầng này biểu tượng cho Nuớc dương. Tầng 3 có mái tròn dịu dàng, thanh thoát. Hình tròn biểu tượng cho bầu vũ trụ, bầu trời. Tầng này biểu tượng cho cõi Khí Gió. Ba tầng tháp biểu tượng cho ba cõi, ba tiểu thế.
Nhìn tháp thấy có nhiều nét cứng, càng đi lên càng mềm dịu đi.
Có bốn con sư tử đá ngồi ở bốn mặt tầng 1. Sư tử liên hệ với Phật. Hiện nay chỉ còn lại một con. Trang trí cho thấy chúng được làm sau này và được đặt thêm vào.
Tháp cái, âm Seokgatap ở phía Tây, bên trái (phía Tây bên trái là phía âm, ở đây tháp nằm ở phía Tây mang âm tính).
Tháp cái Seokgatap (ảnh của tác giả).
Tháp âm có chóp tháp có đáy hình vuông (giống yoni của Ấn giáo có hình vuông). Phần chóp nọc nhọn là nọc, dương, lingam và đáy hình vuông là nòng, âm, yoni. Chỏm tháp cũng diễn tả nòng nọc, âm dương. Tháp cũng là tháp ba tầng nhưng hìnhh dáng và cấu trúc, trang trí đơn giản hơn nhiều.
Trong lúc sửa chữa vào năm 1966, tình cờ tìm thấy một hộp đựng Sarira và tập kinh Pure Light Dharani, được coi là một tác phẩm mộc bản cổ nhất thế giới vào khoảng năm 704 và 751 STL. Hiện tập kinh in trên giấy làm bằng vỏ cây dâu tằm này được trưng bầy tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia Khánh Châu.
Hai tháp đá nòng nọc, âm dương này đi cặp với nhau rất hiếm thấy, thường mỗi chùa ở Đại Hàn chỉ có một tháp. Hai tháp được làm, đặt tên và để ở vị trí trái, phải theo nòng nọc, âm dương cũng như cấu trúc theo Tam Thế của chùa cho thấy thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, Dịch hiện lên rất rõ nét trong Phật giáo Đại Hàn.
Dạng thứ hai là các tháp hình bầu nậm, hình chuông có cán nòng nọc, âm dương như đã nói ở trên nếu nhìn theo diện lưỡng nghi có hai cực tách biệt thì có phần nọc trên biểu tượng cho nọc, dương và phần bầu biểu tượng cho nòng âm riêng rẽ, biểu tượng cho hai cực nòng nọc, âm dương riêng rẽ.
.Tứ Tượng
Có hai trường hợp: một là tháp duy nhất có thể diễn tả tứ tượng, hai là bốn tháp riêng rẽ biểu tượng cho tứ tượng. Một tháp duy nhất có các chi tiết diễn tả tứ tượng ví dụ như bốn cửa ứng với tứ phương diễn tả tứ tượng. Trong trường hợp thứ hai diễn tả bằng bốn tháp ở tứ phương gồm có tháp trụ nọc tượng Lửa như Tháp Bút ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh; tháp nóc hình nồi úp biểu tượng cho tượng nước, tháp hình lọng, dù biểu tượng cho tượng gió và tháp hình gò đất, núi lửa miệng tròn biểu tượng cho tượng lửa. Nhiều khi bốn tháp này tổng quát cũng có hình dạng như nhau nhưng có các chi tiết ứng với tứ tượng khác nhau.
Ví dụ diển hình thấy ở chùa ở Đền Khỉ Swoyambhunath ở Kathmandu, Nepal. Cây tháp chính ở giữa mang hình ảnh tháp cây vũ trụ tam thế hay trục thế giới có bốn cây tháp nhỏ ở bốn hướng diễn tả tứ tượng: tháp nhỏ Vasupura, biểu tượng cho Tượng Đất (Vas- = vách, có một nghĩa là đất, vách đất), tháp nhỏ Vayupura, biểu tượng cho Tượng Gió (Vay- biến âm với bay, liên hệ với gió, với Phạn ngữ vâta, gió), tháp nhỏ Nagpura, biểu tượng cho Tượng Nước (Nag- = Nác, nước) và tháp nhỏ Agnipura, biểu tượng cho Tượng Lửa (ag- = ác, có nghĩa là lửa, mặt trời, chim ác là chim biểu của mặt trời như ác tà rồi thỏ ngậm sương, agni phiên âm qua Việt ngữ là ái nghi, tên nhân vật liên hệ với lửa).
.Tháp Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống)
Tứ tượng âm và dương liên tác tạo ra vũ trụ chia ra làm ba cõi gọi là Tam Thế và được biểu tượng bằng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Phần như hầu hết các tháp Phật hay phần chỏm của tháp Phật đều mang biểu tượng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Hãy lấy làm ví dụ một tháp chùa ở Nepal.
Tháp có hình chuông có cán một biến thể của bầu nậm nòng nọc, âm dương. Nhìn tổng quát nòng nọc, âm dương sinh ra tam t hế biểu tượng bằng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống), vũ trụ. Rõ như ban ngày tháp mang hình ảnh Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Nhìn ở diện khác. Phần bầu dười diễn tả hư vô. Phần trên có chóp lọng diễn tả Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) (xin nhắc lại cây dù Payong của người Dayak là Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời Sống; núi Tản Viên hình tán lọng có một khuôn mặt là Cây Tam Thế). Tháp diển tả qui trình Vũ Trụ Tạo Sinh từ hư vô tới vũ trụ, tam thế biểu tượng bằng Cây Vũ Trụ.
Bảo tháp Phật Tây Tạng diễn tả Cây Cây Tam Thế theo một diễn tả khác thấy rõ qua sơ đồ:
Phầm chỏm đầu có hình bầu mang nghĩa trung tính/nòng nọc, âm dương mang ý nghĩa hư vô, thái cực, lưỡng nghi tùy theo khi nhìn dưới các diện theo các giai kỳ sinh tạo ở các tầng khác nhau của cõi trện. Phần đĩa ở dưới biểu tượng cho tượng Nước, phần tam giác hinh nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) biểu tượng cho tượng Lửa, vòng tròn biểu tượng cho tượng Khí Gió và hình vuông biểu tượng cho tượng Đất ở cõi tứ tượng.
Như thế tháp diễn tả nòng nọc, âm dương, lưỡng nghi, tứ tượng sinh ra tam thế biểu tượng bằng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Tháp mang hình ảnh Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
.Tháp Trục Thế Giới
Vì tháp nguyên thủy là một ngôi mộ nên tháp phải có Trục Thế Giới để hồn người chết đi về ba cõi nhất là cõi trên Thượng Thế. Tháp Phật vì vậy phải có một khuôn mặt là Trục Thế Giới.
Đức Phật cũng được tôn thờ như một trụ lửa biểu tượng cho Trục Thế Giới, Trục Vũ Trụ.
Tôn thờ Phật như một trụ lửa biểu tượng cho Trục Thế Giới, Trục Vũ Trụ(Gummadhidurru, thế kỷ thứ 3, Ấn-Độ, Archaeological Survey of India, New Dhelhi), (ảnh của tác giả chụp tại Bảo Tàng Viện Văn Minh Á Châu Singapore).
Đây là tảng đá ở chân Đại Tháp ở Amaravati, Ấn-Độ có hình cầu tròn đã nói ở trên. Trên đỉnh trụ lửa có hình Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Dưới chân trụ có hình dấu chân Phật ở chỗ gác chân trước chiếc ngai trống biểu tượng cho sự có mặt của Phật . Trên ngai có hai chiếc gối biểu tượng cho nòng nọc, âm dương, có hai chữ vạn chuyển động biểu tượng cho tứ hành nòng nọc, âm dương ứng với bát tượng bvậnn hành, bát quái.
Như thế tháp có hình cầu tròn mang biểu tượng cho hư vô, có thêm chỏm nọc nhọn mang nghĩa thái cực, lưỡng nghi, có gối tứ tượng, có Tam Bảo ứng với ba cõi Phật, có trụ lửa Trục Thế Giới nghĩa là tháp mang trọn vẹn ý nghĩa của Vũ Trụ Tạo Sinh Vũ Trụ giáo.
Bên cạnh có hình hai con hươu biểu tượng cho buổi thuyết pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển. Xung quanh có các tín hữu Phật giáo.
Tháp biểu tượng cho Trục Thế Giới có thể có hình trụ tròn, hình trụ vuông hay hình kim tự tháp. Tháp Bút ở chùa Bút Tháp (Ninh Phúc), Bắc Ninh; Tháp Phong Hòa hình trụ vuông ở chùa Dâu, Bắc Ninh giống tháp chùa Đại Bạch Nga (Great White Wild Goose) ở Tây An, Sơn Tây được xây vào đời Đường của Trung Hoa có thể có một khuôn mặt Trục Thế Giới mang tính chủ.
Tháp hình kim tự tháp có một khuôn mặt trục thế giới vì các kim tự tháp là những ngôi mộ chôn các vua chúa cũng chính là một thứ ‘tháp’ mang hình ảnh Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) trong đó có Trục Thế Giới (xem Trăng Thu Kim Tự Tháp). Kim tự tháp nhất là loại có cấp bậc là đường lên cõi trên, là Trục Thế Giới. Ví dụ như một tháp chùa Việt Nam thấy qua hình một tháp gốm men xanh-trắng thế kỷ 14-16.
Gốm men xanh-trắng tháp chùa Việt Nam thế kỷ 14-16 tại Bảo Tàng Viện Văn Minh Á Châu Singapore (ảnh của tác giả).
Tháp nhiều tầng mang hình ảnh kim tự tháp có mái hình nấc thang, có một khuôn mặt Trục Thế Giới thông thương ba cõi, có đường lên cõi Thượng Thế.
.Tháp Sinh tử tái sinh, hằng cửu
Hiển nhiên tháp Cây Vũ Trụ Cây Tam Thế có một khuôn mặt là Cây Đời Sống mang ý nghĩa biểu tượng cho tử sinh, tái sinh, hằng cửu.
Ngoài ra trên các tháp này có những chi tiết diễn tả sinh, tử, tái sinh hằng cửu. Trong Phật giáo cõi hằng cừu, vĩnh hằng là Nát Bàn, nơi con người thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử, tử sinh (xem phần chi tiết tháp Phật).
Những Hình Dạng Biến Thể Khác Của Tháp.
Như đã biết các hình dạng của tháp thay đổi tùy theo từng giai kỳ của Vũ Trụ Tạo Sinh trong Vũ Trụ giáo. Càng nguyên thủy càng cổ càng có hình dạng ứng với hình cầu tròn hư vô, vô cực, hình trứng, quả bầu, dưa hấu ứng với thái cực nhất thế và lưỡng nghi. Những tháp trụ vuông có thể có một khuôn mặt tứ tượng hay Trục Thế Giới mang dương tính. Những tháp trụ Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) ứng với tam thế mang trọn vẹn triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh…
Tùy theo giáo phái hình dạng của tháp cũng thay đổi. Phật giáo nguyên thủy trước đây gọi là tiểu thừa (Thevada) thường tháp có hình chuông có cán như thấy ở các chùa ở Tích Lan, Myanmar, Thái, Lào, Campuchia… Phật giáo đại thừa, tháp thường có hình trụ tròn hay vuông nhiều tầng thường thấy ở Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam. Như đã nói ở trên, ở Việt Nam có tháp vuông Hòa Phong ở chùa Dâu,
Tháp Bút (Bảo Nghiêm) hình trụ tròn ở chùa Bút Tháp (Ninh Phúc), Bắc Ninh.
Nhìn vào hình dạng của tháp ta có thể biết ngay một chùa nào đó thuộc phái nguyên thủy hay đại thừa. Trong Phật giáo nguyên thủy tháp chùa là khuôn mặt chính còn chùa chỉ là phụ, ngược lại trong Phật giáo đại thừa chùa là chính và tháp là phụ.
Như đã biết chùa cũng làm theo hình dạng của tháp nên tháp và chùa đôi khi mang nghĩa như nhau, như đã nói ở trên, tháp ở Tích Lan gọi là dagoga đẻ ra từ pagoda và ở Đại Hàn t’ap dịch sang Anh ngữ là pagoda. Nhiều chùa làm theo hình tháp vì chùa cũng như tháp sau này chủ yếu mang nghĩa là nơi tồn trữ các di tích Phật và Phật giáo, nơi để các xá lợi Phật, tượng Phật, kinh Phật… tức là nơi linh thiêng để thờ phượng của Phật giáo.
Ngoài hình dạng cầu tròn, hình bầu, hình chuông úp, còn có các hình dạng khác như
-Hình kim tự tháp
Tháp hình kim tự tháp thường có một chóp hình vòm, hình bầu nậm, hình chuông có cán biểu tượng cho vũ trụ, cho đỉnh núi Meru ở trên một nền vuông có nhiều tầng biểu tượng cho cõi đất thế gian. Nghĩa là cả tháp mang hình ảnh Núi Trụ Thế Gian Meru trong có Trục Thế Giới thông thương ba cõi.
ví dụ điển hình là đền Phật giáo nổi tiếng Borobudur ờ Java xây vào thế kỷ thứ 9 Sau Tây Lịch có hình kim tự tháp có cấp bậc.
Đền Phật giáo Borobudur ờ Java (ảnh của tác giả chụp lại hình tại Bảo Tàng Viện Văn Minh Á Châu Singapore).
Phần chóp có hình bầu nậm, hình chuông úp.
Chùa Đại Bồ Đề Mahabodhi ở Bagan, Myanmar.
Chùa Đại Bồ Đề ở Bagan, Myanmar.
Chùa làm bắt chước theo chùa Đại Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), Ấn-Độ do vua Nadaungmya xây vào thế kỷ 13. Tháp ở chùa này hình kim tự tháp cao như núi Meru.
-Tháp cao nhiều tầng
Ví dụ cổ nhất là tháp Magabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) Ấn-Độ, nơi Đức Phật đạt tới giác ngộ. Cấu trúc của tháp mang ảnh hưởng kiến trúc của Ấn-Độ giáo. Một tấm thạch bản cho thấy hình dạng nguyên thủy của tháp có chóp tháp hình cầu tròn biểu tượng cho hư vô, bầu vũ trụ, không gian.
Ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam cũng thấy nhiều tháp nhiều tầng loại này. Ví dụ như chùa Thiên Mụ ở Huế của Việt Nam có hình tháp trụ tròn thon nhọn.
Ngoài các hình tháp như đã thấy, hình dạng cũng có thể thay đổi ít nhiều theo tín ngưỡng, văn hóa địa phương ví dụ tháp chùa phái nguyên thủy có hình chuông có cán có những hình dạng khác nhau ít nhiều thấy ở Tích Lan. Myanmar, Thái, Lào, Campuchia… và ngay cả ở một quốc gia.
Tóm lại về hình thể bên ngoài tháp Phật diễn tả trọn vẹn thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo qua hình dạng cầu tròn, quả bầu, dưa hấu tròn trên có chỏm nọc dương hay cây vũ trụ, hình bầu nậm, chuông có cán nòng nọc, âm dương, hình kim tư tháp (thường diễn tả Núi Meru, Núi Vũ Trụ ) hay các dạng tháp hình trụ tròn, vuông, nhiều tầng với khuôn mặt Trục Thế Giới mang tính chủ.
Nhìn vào hình dạng tháp ta có thể biết tuổi của tháp, biết giáo phái Phật, biết thêm các văn hóa địa phương. Một chùa có tháp cầu tròn thường là tháp cổ, một chùa có tháp là khuôn mặt chính là chùa thuộc phái nguyên thủy. Một chùa có tháp hình chuông có cán thường thuộc phái nguyên thủy…
Kiến Trúc Chi Tiết Của Tháp Chùa Nhìn Theo Lăng Kính Vũ Trụ Giáo.
Kiến Trúc Chi Tiết Của Tháp Chùa Nhìn Theo Lăng Kính Vũ Trụ Giáo.
Sơ Đồ Kiến Trúc.
Đã hiểu qua về hình dạng bên ngoài của những tháp chùa chính thống tổng quát mang ý nghĩa diễn tả Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo rồi, để biết rõ thêm và kiểm chứng lại ta hãy quan sát sơ đồ kiến trúc của vài loại tháp chùa tiêu biểu.
Ta đã biết ở Ấn-Độ, có những tháp chùa rất cổ có hình vòm bán cầu tròn. Tháp cổ nhất là tháp Sanchi xây vào thế kỷ thứ nhất Trước Tây Lịch có hình vòm bán cầu tròn trên có một kiến trúc hình chiếc lọng ba tầng đơn giản không có trang trí biểu tượng cho Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Một dạng nữa bị ảnh hưởng rõ của Ấn giáo là dạng tháp hình kim tự tháp diễn tả Núi Trụ Thế Gian Meru.
Sau đó Phật giáo lan truyền qua phương Đông bằng hai ngả. Một là theo ngả Nam Ấn-Độ tới Tích Lan (Sri Lanka), qua đường biển tới Đông Nam Á, Đông Dương rồi tới Nam Trung Hoa. Phần lớn Phật giáo theo con đường này giữ tính nguyên thủy ở các quốc gia Sri Lanka, Myanmar, Thái, Lào, Campuchia. Tháp phái Phật giáo nguyên thủy thường có hình chuông có cán.
Ngả thứ hai đi theo con Đường Tơ Lụa, tới Trung Á, Nepal, Tây Tạng, phía Bắc Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản… Phần lớn Phật giáo các quốc gia này mang khuôn mặt chủ là phái Đại Thừa. Các tháp phái đại thừa lúc đầu phần lớn là tháp trụ vuông có nhiều tầng như tháp Ngỗng Trời ở Tây An, Trung Quốc xây năm 652 Sau Tây Lịch đời Nhà Đường.
Tháp Ngỗng Trời ở Tây An, Trung Quốc xây năm 652 STL đời Nhà Đường (ảnh chụp 1983).
Ở Nepal các chùa làm theo hình tháp trụ vuông nhiều tầng:
Các chùa đền ở công trường Patan Durbar Kathmandu, Nepal làm theo hình tháp trụ vuông rỗng (ảnh của tác giả).
Về sau tháp trụ vuông biến dạng thành hình tháp bút, trụ tròn, vân vân…
Bây giờ ta hãy xem sơ đồ cấu trúc của vài loại tháp chính này.
1. Các tháp cổ thấy ở Ấn-Độ
-Tháp vòm bán cầu tròn.
Như đã biết, tháp cầu tròn là dạng cổ nhất thấy ở Ấn-Độ. Hình vòm bán cầu tròn diễn tả vòm vũ trụ, hư vô, vô cực, dạ con vũ trụ và dưới dạng nhất thể là đĩa thái cực, trứng vũ trụ (dạng trứng tròn). Ví dụ như thấy qua một sơ đồ hình vòm bán cầu tròn dưới đây theo Snograss.
Tháp có chủ thể là vòm bán cầu tròn, ở đây nhìn dưới dạng nhất thể nòng nọc, âm dương còn quyện vào nhau là trứng vũ trụ. Cấu trúc trong trứng hình Tam Thế và trên vòm cầu là Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Ta thấy rất rõ vòm trứng nòng nọc, âm dương sinh ra Tam Thế diễn tả bằng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) ở trên. Tháp mang trọn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo.
Những tháp chùa nguyên thủy thường có dạng này. Đây là dạng hình vòm bán cầu tròn mang tính chủ thể.
-Tháp kim tự tháp.
Tháp loại này diễn tả Núi Meru mang ảnh hưởng Ấn giáo đậm nét.
Như đã biết trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que hình kim tự tháp, một dạng không gian của chữ nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) có một khuôn mặt biểu tượng cho núi tháp, núi dương có đỉnh nhọn mang dương tính biểu tượng cho Núi Trụ Thế Gian, cõi đất thế gian, Lửa Đất thế gian, quẻ Li, lửa đất thế gian. Anh ngữ pyramid có gốc pyro- là lửa. Núi Meru là ngọn núi thiêng liêng diễn tả Núi Trụ Thế Gian, Núi Vũ Trụ trong Ấn giáo và Phật giáo. Núi Meru trong Ấn giáo và Phật giáo có một khuôn mặt là Núi Trụ Thế Gian biểu tượng cho Tam Thế.
Ví dụ như đã nói ở trên đền Phật giáo Borobudur ở Java Nam Dương làm theo Núi Meru. Đây là một kiến trúc Phật giáo lớn nhất thế giới.
Chùa tháp Borobudur, Java và họa đồ mặt bằng.
Nhìn tổng thể, chỏm tháp có dáng dấp hình bầu nậm hay chuông có cán biểu tượng cho nòng nọc, âm dương. Nhìn theo nhất thể là thái cực. Nhìn theo diện lưỡng nghi là hai cực nòng nọc, âm dương riêng rẽ. Nhìn theo họa đồ mặt bằng (ground plan), ở tâm có chấm tròn đặc là nọc, dương ở trên hình vuông nòng âm thái dương. Đây chính là hình ảnh thiết diện ngang của lingam-yoni của Ấn giáo và của bánh dầy bánh chưng Việt Nam. Nhìn dưới diện tứ tượng thì chỏm nọc biểu tượng cho tượng Lửa, phần bầu biểu tượng cho gió. Ba vành tròn tam cấp có những tháp nhỏ trong có để tượng Phật là ba nòng OOO tức quẻ Khôn theo duy âm có một khuôn mặt là Nước. Phần thân tháp vuông 5 tầng biểu tượng cho Đất. Số 5 là số Li, Lửa Đất biểu tượng cho Đất dương thế gian. Phần này lớn nhất cho thấy khuôn mặt núi tháp Đất mang tính chủ. Rõ ràng tháp diễn tả Núi Trụ Thế Gian Meru. Như đã nói, trong Núi Trụ Thế gian có Trục Thế Giới thông thương ba cõi mà chính yếu là đường lên cõi trên, trong Phật giáo là Niết Bàn.
Ngay chính tháp có hình kim tự tháp cũng đã mang hình ảnh đường lên cõi trên giống như kim tự tháp có bậc cấp Zoser cổ nhất của Ai Cập và các tháp có cấp bậc của các tộc thổ dân Mỹ châu. Các tín đồ đi vòng lên đỉnh tháp cũng có cảm giác đi lên Niết Bàn.
Họa đồ mặt bằng của đền Borobudur là một thứ mandala vuông biểu tượng cho vũ trụ nhìn dưới diện núi Meru cõi đất thế gian.
Vì thế chùa tháp Bodobudur được coi là biểu tượng của Tam Thế (dhatu).
Rõ hơn tại Mingun, bên bờ sông Irrawaddy, Mandalay, Myanmar có một chùa tháp Hsinbyum hay Myatheindan làm theo Núi Meru nên đôi khi còn được gọi là tháp núi Meru.
Chùa do cháu vua Bodawpaya và vua kế vị Bagyidaw xây để tưởng nhớ công chúa Hsinbyume (Nàng Voi Trắng, cháu gái vua Bodawpaya, 1789-1812) chết trong lúc sanh.
Lưu ý là phần chân tháp có những hình sóng diễn tả biển vũ trụ. Núi Meru được cho là một phần của Biển Vũ Trụ. Ở đây núi nhô lên từ biển vũ trụ. Trong truyền thuyết của nhiều văn hóa cổ, núi Trụ Thế Gian cũng nhô lên từ biển, hồ vũ trụ như Ai Cập cổ có gò đống nguyên khởi nhô lên từ hồ nước, biển vũ trụ, đảo núi Quân Sơn ở hồ Động Đình cũng vậy (xem Hồ Động Đình)…
Núi Meru cũng được cho là ở tâm quả đất, là trung tâm về vật thể, tâm linh, siêu hình của vũ trụ.
Đối chiếu với Dịch ta thấy núi Meru có đáy là hình vuông, có năm tầng mang hình ảnh của ma phương 5/15 (có số trục là số 5 và tổng cộng các số ở các chi là 15).
Hình vuông biểu tượng cho đất, núi Meru 5 tầng ứng với con số trục 5 của ma phương 5/15 ăn khớp trăm phần trăm với một khuôn mặt của núi Meru là núi Trục Thế Giới ở tâm của đất thế gian. Trong ngũ hành Trung Hoa, hành thổ nằm ở tâm hình vuông có bốn đỉnh là bốn hành kia là vậy.
Điểm này một lần nữa cho thấy Vũ Trụ giáo dựa trên Dịch, nguyên lý nòng nọc, âm dương hiện diện rất rõ trong Ấn giáo và Phật giáo.
-Tháp chuông có cán
Như đã biết tháp hình chuông có cán thường thấy và là khuôn mặt chính của các chùa theo phái Phật giáo nguyên thủy (thường gọi là chùa tháp).
Hãy phân tích một sơ đồ tháp chuông có cán ở chùa Botataung, ngôi chùa đầu tiên có để tóc Phật ở Yangon.
Sơ đồ kiến trúc chùa Botataung, Yangon, Myanmar (ảnh của tác giả chụp tại chùa Botataung).
Sơ đồ kiến trúc cho thấy từ trên xuống:
1. Cầu tròn kim cương (Diamond orb).
2. Cờ châu báu.
3. Chỏm nón (cone).
4. Lọng, tán (hti) (hti biến âm với Việt ngữ tán, tàn).
5. Búp sen (lotus bud) hay hoa chuối (banana bud).
6. Cánh hoa sen (lotus petals).
7. Đài hoa sen.
8. Cánh sen ngược.
9. Vành trang trí (mouldings).
10. Bát úp (inverted bowl).
11. Chuông.
12. Các vành trang trí.
13. Bệ (terrace).
Tháp có 13 phần. Con số 13 là số Li tầng 2 thế gian (13 = 8 + 5) biểu tượng cho Lửa Đất thế gian. Qua 13 tầng, tháp cũng diễn tả núi Trụ Thế gian mang cùng ý nghĩa với các tháp hình kim tự tháp. Con số 13 cũng có một nghĩa là 13 bậc cấp dẫn tới Niết Bàn. Tháp này cũng là đường đi lên Niết Bàn.
Nhìn tổng quát dưới lăng kính Vũ Trụ Tạo Sinh ta thấy rõ tháp chuông có cán có phần chuông biểu tượng cho nòng, âm và phần cán biểu tượng cho nọc dương. Nòng nọc, âm dương sinh ra tứ tượng.
Nhìn dưới diện tứ tượng phần trụ nọc chỏm tháp biểu tượng cho tượng lửa (1, 2, 3), phần lọng tán biểu tượng cho tuợng khí gió (4), phần chuông bát úp (10, 11, 12) biểu tượng cho tượng nước và phần bệ có các cấp bậc biểu tượng cho đất (thấy rõ ở các tháp có hình vuông).
Các tháp ở Nepal phần này thường vẽ các cánh hoa sen nhấn mạnh ý nghĩa nước.
Tứ tượng âm dương liên tác sinh ra tam thế biếu tượng bằng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Phần chỏm tháp vì thế cũng thường biểu tượng cho Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Ở đây cũng vậy. Phần chỏm tháp phía trên có:
Phần nọc có đỉnh nhọn phía trên cùng biểu tượng cho nọc, dương và phần bầu phía dưới biểu tượng cho nòng âm.
Chùa tháp Shwedagon cũng có cấu trúc y hệt ở đây. Chỏm tháp chùa Shwedagon thấy rõ hơn qua hình quả bầu.
Chỏm tháp chùa Shwedagon, Yangon (ảnh chụp tại chùa Shwedagon).
Phần nọc nhọn nằm trong một hình kim tự tháp cũng biểu tượng cho nọc, dương. Phần bầu tròn thấy rất rõ. Chỏm tháp có hình bầu nậm. Lưu ý bầu có dát các thứ đá quí, trên nắp bầu có để một viên kim cương lớn 76 carat (15 gm).
Phần chỏm tháp này cũng diễn tả tứ tượng. Nhìn dưới diện tứ tượng phần nọc nhọn đỉnh tháp biểu tượng cho tượng Lửa Càn. Phần lọng biểu tượng cho tượng khí gió Đoài, ở nhiều tháp hình lọng có tua gió. Ở chùa Shwedagon, phần lọng tán này bên trong đích thực có kiến trúc của một chiếc lọng, tán:
Kiến trúc bên trong hình tán của phần lọng ở chỏm tháp chùa Shwedagon (ảnh của tác giả).
Phần hình búp sen hay hoa chuối hình chiếc bình biểu tượng cho tượng nước và phần đế hình nón cụt có các vành diễn tả các bậc tam cấp biểu tượng cho tượng núi đất. Tứ tượng sinh ra Tam Thế biểu tượng cho Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Rõ ràng phần chỏm tháp cũng diễn tả Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Phần lớn các chỏm tháp của Phật giáo có 13 khấc, 13 nấc, 13 tầng diễn 13 bậc lên Niết Bàn.
Như thế ta thấy tháp hình chuông có cán dù hình dạng có biến đổi từ tháp cổ hình vòm bán cầu cũng vẫn diễn tả ý nghĩa giữ theo cốt lõi Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo.
Nhìn theo giáo lý nhà Phật, tháp có hình Phật tọa thiền. Phật miện là chỏm tháp, đầu Phật là phần hình bầu, thân là chuông và chân ngồi kiết già là bệ đáy. Điểm này cũng dễ hiểu Phật là Người Vũ Trụ, tổ phụ của loài người sinh ra từ Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống), giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề. Thêm nữa, như đã nói ở trên Phật được tôn thờ như một trụ lửa biểu tượng cho Trục Thế Giới, trục Vũ Trụ tức là thân của Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
-Tháp Trụ Vuông Nhiều Tầng
Như đã nói ở trên, các tháp phái đại thừa lúc đầu phần lớn là tháp trụ vuông có nhiều tầng. Những tháp này thấy ở Nepal, Trung Hoa, Nhật, Việt Nam, Đại Hàn…
Có nhiều chùa ở các quốc gia theo phái đại thừa cũng làm chùa theo hình tháp trụ vuông này. Các chùa này chính là những tháp vuông nhiều tầng rỗng trong có để tượng phật và các di vật liên hệ tới Phật và Phật giáo dùng làm nơi thờ phượng (gọi là chùa).
Hãy khảo sát sơ đồ của một tháp đá vuông Đại Hàn.
Sơ đồ một tháp đá vuông Đại Hàn (A field Guide to History Gyeongju, Korea Cultural and Historical Survey Society, Dolbegae Publishers).
Sơ đồ này cho thấy rất rõ cấu trúc của một tháp ba tầng tiêu biểu của Đại Hàn (ở Đại Hàn nói tới tháp pagoda là nói tới tháp ba tầng).
-Nhìn tổng thể, phần
.Chỏm tháp
biểu tượng cho Thượng Thế.
.Thân tháp
Phần thân biểu tượng cho cõi giữa Trung Thế chia ra ba tiểu thế: bầu trời, đất và nước thế gian diễn tả bằng ba tầng có ba mái.
. Đế tháp
Biểu tượng cho Hạ Thế chia ra làm hai tầng. Phần trên có thể là phần cõi âm của dương gian, nơi khi con người mới lìa đời, hồn ở đây để chờ đợi phán xét. Phần dưới là vùng âm của âm thế tương đương với âm ty.
-Phần chỏm tháp (finial)
Nhìn chi tiết riêng của chỏm tháp ta thấy tận cùng cũng có hình bầu nậm nòng nọc, âm dương, thái cực (nhìn dưới dạng nhất thể), lưỡng nghi (nhìn dưới dạng phân cục).
Nhìn dưới dạng tứ tượng: chỏm nọc lửa, tán (sacred canopy) lọng, gió, bát hoa sen, nước và đế vuông đất.
Chỏm tháp cũng diễn tả Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Số tầng của tháp thay đổi theo ý nghĩa biểu tượng chính của tháp.
Tháp có nhiều tầng thường 3, 5, 7, 9, 11, 13 tầng. Thấy nhiều nhất là tháp 3 tầng. như đã nói ở trên, ở Đại Hàn nói tới pagoda là nói tới tháp ba tầng. Tháp ba tầng diễn tả Tam Thế của Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) hay ba cõi tiểu thế của cõi nhân gian Trung Thế. Tháp năm tầng mang hình ảnh Trục Thế Giới thông thương ba cõi, đường về cõi trên, vĩnh hằng (số 5 là số Li lửa thiếu dương, núi lửa, núi trụ thế gian ở trong Trục Thế Giới)… Tháp 13 tầng với số 13 là số Li tầng 2 (5 + 8) cũng có một khuôn mặt là Trục Thế Giới. Đường lên Niết Bàn có 13 cấp bậc…
Như vậy số tầng của tháp tuy được làm theo giáo thuyết Phật giáo nhưng vẫn giữ đúng ý nghĩa theo triết thuyết Vũ Trụ giáo, theo Dịch.
Tóm lại tháp trụ vuông nhiều tầng thấy nhiều trong Phật giáo đại thừa tổng quát cũng vẫn mang ý nghĩa biểu tượng của Vũ Trụ Tạo Sinh trong Vũ Trụ giáo nhưng có khuôn mặt Trục Thế Giới mang tính chủ.
-Tháp Hình Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Tháp nào cũng diễn tả triết thuyết Vũ Trụ giáo qua hình ảnh Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) hiển nhiên phải có một loại tháp diễn tả ngay theo hình dạng Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Điển hình nhất là Chùa Một Cột của Việt Nam là một thứ tháp hình Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) (xem Cơ Thể Học Trống Đồng).
Chi Tiết Bên Ngoài Tháp.
Các chi tiết và trang trí bên ngoài và chung quanh mỗi tháp (như các điêu khắc diễn tả giáo lý, truyền thuyết Phật, cuộc đời Đức Phật, các tượng hộ pháp, linh thú, nhà nguyện…) hiển nhiên diễn tả thay đổi tùy theo mỗi loại tháp như tháp chứa xá lợi Phật (tóc, rằng, xương… Phật), các di vật liên hệ với Phật giáo (như bình bát, áo mão, kinh Phật..), tháp tưởng niệm Phật và các cao tăng, tháp để cầu nguyện, cầu xin…
Ví dụ những tháp diễn tả giáo lý, trọn cuộc đời ĐứcPhật như ở tháp cổ nhất Sanchi ở Ấn-Độ có khắc hoa sen hay con voi trắng diễn tả Phật đản sinh; cây Bồ Đề diễn tả Phật giác ngộ, thành đạo, bánh xe pháp luân diễn tả sự khai sinh của Phật giáo ở vườn Lộc Uyển… Ngôi đền Phật giáo Borobudur ở Java là ngôi đền có những khắc chạm trang trí tinh tế, nghệ thuật diễn tả trọn vẹn giáo lý và cuộc đời Đức Phật nhất. Phần chỏm tháp không trang trí diễn tả sự toàn thiện hoàn toàn của giác ngộ. Phần bệ bằng phẳng dưới chỏm tháp có ba vành tháp nhỏ trong có tượng Phật biểu tượng cho Arupadatu, phi dạng thể (formlessness). Điểm này ăn khớp hoàn toàn với ba vành hay ba vòng tròn OOO tức quẻ Khôn có một khuôn mặt là trống không, hư không.
Phần thân tháp hình kim tự tháp có những điêu khắc diễn tả cuộc đời Đức Phật.
Vân vân…
Nhưng điểm tôi muốn nhấn mạnh nói tới ở đây là các chi tiết bên ngoài và vòng ngoài tháp có liên hệ tới Vũ Trụ giáo được diễn đạt bằng các hình, dấu, biểu tượng theo Dịch vả chữ viết nòng nọc vòng tròn-que.
Sẽ có một bài viết riêng Các Hình, Dấu, Biểu Tượng, Chữ Viết Nòng Nọc Vòng Tròn-Que trong Phật Giáo, ở đây chỉ xin đưa ra một hai ví dụ thấy trên tháp chùa.
Như đã nói ở trên, sơ đồ của một tháp chùa Tây Tạng có hình dạng có ý nghĩa theo hình, dấu mang tính chữ viết nòng nọc vòng tròn-que. Điểm này cũng áp dụng chung cho tất cả các loại tháp (vì tất cả các loại tháp dù hình dạng có khác nhau nhưng vẫn diễn tả Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo) như thấy qua hình dưới đây:
Sơ đồ các loại tháp có hình dạng khác nhau (nguồn: buddhanet.net).
Như đã nói ở trên, phầm chỏm đầu có hình bầu mang ý nghĩa hư vô (vô cực), thái cực (nhìn dưới diện nhất thể), lưỡng cực (nhìn dưới diệng lưỡng nghi). Ở hình mầu ở đây (giống như hình sơ đồ bảo tháp Tây Tạng ở trên), phần chỏm tháp gọi là void(khoảng trống không) chỉ nhìn dưới diện vô cực.
Phần đĩa ở dưới có hình vật đựng mầu đen tôi giải thích là biểu tượng cho tượng Nước (đĩa đựng chất lỏng). Ở hình mầu ở đây lại giải thích cho là Gió. Theo tôi, gió thường được biểu tượng bằng cái bao, nang, túi tròn; ông thần gió thường khoác cái bao, túi và khí, gió không mầu, thường diễn tả bằng vòng tròn mầu trắng.
Phần tam giác hinh nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) biểu tượng cho tượng Lửa. Ở hình mầu ở đây diễn tả bằng mầu đỏ rất đúng.
Phần vòng tròn tôi cho là biểu tượng cho tượng Khí, Gió. Ở hình mầu này lại cho là Nước. Nước thái âm cũng có thể diễn tả bằng vòng tròn nhưng là vòng tròn đậm đen hay có mầu đen. Ở đây có mầu trắng.
Hình vuông biểu tượng cho tượng Đất ở cõi tứ tượng. Đất dương diễn tả bằng mầu vàng rất đúng.
Như thế tháp diễn tả nòng nọc, âm dương, lưỡng nghi, tứ tượng sinh ra tam thế diễn tả bằng các hình học trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que.
Các cách xếp đặt các chi tiết, các cấu trúc phụ đi theo chiều âm tức theo chiều kim đồng hồ. Chiều âm là chiều không gian, chiều Vũ của vũ trụ. Phật giáo là tôn giáo nghiêng về vũ trụ phía Vũ, không gian (trong khi Thiên Chúa Giáo nghiêng về phía Trụ, mặt trời). Phật giáo là tôn giáo âm, Tĩnh trong khi Thiên Chúa giáo là tôn giáo dương, Động. Các tu sĩ Phật giáo cử lễ cũng đi theo chiều âm này. Cây nhang vòng cũng đốt cháy theo chiều âm này…
Trên nhiều tháp có ghi khắc chữ viết nòng nọc vòng tròn-que. Ví dụ như ở một chùa tháp ở Bagan.
Chữ nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) lửa, dương có phụ đề các tia lửa trên một tháp chùa ở Bagan, Myanmar cho biết phần tháp này mang tính lửa (ảnh của tác giả).
Vân vân…
Kết Luận
Tóm lại tháp chùa stupa khởi thủy bắt nguồn từ các mô, đống dùng làm mồ mả đã có từ trước khi có Phật giáo và các mồ này đã mang ý nghĩa biểu tượng theo Vũ Trụ giáo.
Trong các nền văn hóa theo hay bị ảnh hưởng của Vũ Trụ giáo có trước khi Phật giáo ra đời, người chết đã được chôn trong các giỏ cây hình tròn hay hình trứng như Ai Cập cổ, trong các chum, vò bằng đất nung, đá, trong các thạp đồng hình trứng, trong trống đồng hình cây Nấm Vũ Trụ… mang ý nghĩa biểu tượng dạ con vũ trụ, hư vô, trứng vũ trụ để người chết được trở về với hư vô, vũ trụ hầu có thể được tái sinh…
Stupa du nhập vào Phật giáo lúc đầu cũng dùng như một thứ mộ để chôn cất tro thân, xá lợi Phật, sau trở thành chỗ thờ phượng thiêng liêng. Các tháp chùa vì thế theo thời gian, giáo phái và văn hóa địa phương cũng vẫn diễn tả trọn vẹn hay một giai kỳ của triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo.
Tất cả các tháp dù có hình dạng nào cũng mang ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo, cũng có một khuôn mặt Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Tuy nhiên mỗi dạng tháp nghiêng về một khuôn mặt mang tính trội:
.Tháp vòm bán cầu tròn cổ nhất còn giữ dạng mô đất tròn có khuôn mặt trội là hư vô, trứng vũ trụ dạng tròn (đĩa thái cực).
.Tháp hình kim tự tháp có khuôn mặt mang tính trội là Núi Trụ Thế Gian mang hình ảnh núi Meru.
.Tháp hình bầu nậm, chuông có cán mang tính nòng nọc, âm dương, lưỡng thể mang tính sinh tạo, tạo hóa.
.Tháp hình trụ vụông, tròn, tháp bút có khuôn mặt mang tính trội là Trục Thế Giới.
Các tháp rỗng trở thành các chùa dạng tháp.
……
Nhìn tháp ta có thể biết một ngôi chùa thuộc giáo phái nào. Tháp bán cầu và kim tự tháp, hình núi Meru có thể cho biết chùa đó còn giữ theo phong cách của các tháp cổ của Phật giáo Ấn-Độ.
Tháp có hình chuông có cán và là khuôn mặt chủ yếu của chùa thường thuộc phái Phật giáo nguyên thủy.
Tháp có hình trụ vuông, tròn, nhiều tầng và là khuôn mặt phụ của chùa thường thấy thuộc phái Phật giáo đại thừa.
Dĩ nhiên tháp và các phần tháp cũng được kiến trúc theo các hình thể biến dạng ít nhiều để chuyển đạt những ý nghĩa khác nhau của giáo lý Phật giáo và hòa đồng với ý nghĩa biểu tượng riêng của tháp với văn hóa địa phương.
Muốn hiểu ý nghĩa thấu đáo, trọn vẹn, mimh bạch và có hệ thống của tháp ta phải nhìn theo lăng kính Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo đi kèm với giáo lý Phật giáo.
Hiểu được ý nghĩa biểu tượng của tháp chùa là ta hiểu được vũ trụ quan của Phật giáo.
Tháp chùa là biểu tượng vũ trụ quan của Phật giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét