Đất phát tích triều Lý
* Nơi phát tích Vương triều Lý * Lô cốt thép của Đảng thời kỳ bí mật * Quê hương đồng chí Lê Quang Đạo * Truyền thống gia đình và dòng họ.
Đình Bảng nằm trên vùng châu thổ sông Hồng. Trải dọc theo trục đường quốc lộ 1 A, cách Thủ đô Hà Nội 16 km về phía Bắc. Làng Đình Bảng là một xã, có mười lăm xóm họp lại thành một làng, cả làng thành một xã.
Theo chiều dài lịch sử, Đình Bảng là một làng trù phú, kinh tế văn hoá phát triển, thuận lợi giao thông thủy và bộ. Nằm ở vị trí tiếp giáp, nối liền miền đồi núi Đông Bắc với đồng bằng phía Nam cho nên Đình Bảng là nơi hội tụ và đón nhận, ảnh hưởng cả phương Bắc, phương Nam, phía Đông và phía Tây. Đúng như nhận định của giáo sư Trần Quốc Vượng: "Đình Bảng không bao giờ là một trung tâm hành chính chính trị đế chịu sự đánh phá chà xát và xáo động, cùng di động dân như Cổ Loa cũng như nhận sự áp chế trực tiếp và đồng hoá nặng nề như vùng Luy Lâu. Nhưng Đình Bảng lại gần Cổ Loa cũng như gần Luy Lâu (hay phủ Từ Sơn ngay sau đó) để không bao giờ là một vùng quê hẻo lánh, xa xôi - Đình Bảng không bao giờ có thành nhưng bao giờ cũng có thị. Đó là một làng chợ, hương thị, xã thị (chứ không là thị xã). Đình Bảng và vùng chung quanh bao giờ cũng là vùng đất hướng ngoại, vùng mở, vùng giao lưu kinh tế văn hoá sống động và nãng động ,một vùng tiến bộ văn hoá -xã hội, vùng đan xen kinh tế điển hình" (Hội nghị chuyên đề về Vương Triều Lý 1-7- 1985).
Chẳng thế mà trong làng Đình Bảng đã hình thành năm chợ lúc nào cũng nhộn nhịp là: Chợ Đình, chợ Bờ Ngang, chợ Thọ Môn, chợ Đền và chợ Xuân Đài. Trong làng và trong chợ có nhiều tiệm vàng, bạc và đá quý. Có xưởng sửa chữa ô tô, có ga ra ô tô. Trong làng có gần 20 Công ty trách nhiệm hữu hạn, có nhiều Công ty đã liên doanh với nước ngoài, doanh số hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hồ nuôi tôm hùm của hợp tác xã tấp nập khách vào ra. Cây đào Nhật Tân đã bén dễ trên đất Đình Bảng. Đón tết nhiều gia đình đã thu trên hai mươi triệu đồng tiền bán hoa. Nước sạch và điện đã đến từng nhà. Toàn xã không còn nhà lá, nhà tranh, không còn hộ nghèo. Việc một người nông dân ở Đình Bảng sáng còn đi cầy, chiều lái xe ô tô đưa vợ con ra Hà Nội xem nghệ thuật là việc bình thường.
Bước chân vào làng Đình Bảng, ta như vào một đô thị sầm uất, nhộn nhịp nhưng vẫn thấy cái riêng của một làng quê có truyền thống lịch sử và vãn hoá. Mỗi tên xóm, tên thôn, tên đất đều mang một dấu ấn lịch sử. Đình Bảng là đặc trưng tiêu biểu của làng xã Việt Nam vừa mang đậm tính dân tộc, vừa có vóc dáng của làng xã văn minh hiện đại.
Đến giữa thế kỷ VIII (đời Đường), Đình Bảng có tên là hương Cố Pháp; là một trung tâm Phật giáo với các thiền sư nổi tiếng: Định Không, Thông Tiền, Quý An... rồi Vạn Hạnh, Khánh Văn. Đó là những trí thức lớn của thời đại tập hợp dưới ngọn cờ Phật giáo những người yêu nước, có tinh thần dân tộc chuẩn bị trong ý thức mọi người về một triều đại độc lập. Trong đó Vạn Hạnh là người trực tiếp nuôi dưỡng ý đồ mở mang đế vương, đã chu đáo và linh hoạt khai thác mọi khả năng của Phật giáo để sáng nghiệp nhà Lý vào thế kỷ XI, cũng như thắp sáng không chỉ một thời kỳ văn hoá Thăng Long.
Đình Bảng là quê hương của Lý Thái Tổ; người khởi lập triều Lý, người quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Hà Nội.
Lý Thái Tổ (huý là Công Uẩn) sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất niên hiệu Thái Bình nhà Đinh năm thứ 5 (8- 3-974) tại chùa Cổ Pháp (chùa Dận), mẹ là Phạm Thị (thôn Dương Lôi, xã Tân Hồng).
Tuổi ấu thơ Lý Công Uẩn từng làm tiểu ở các chùa Cổ Pháp, Ứng Tâm, Lục Tổ, Kiến Sõ, Thiên Tâm dưới sự nuôi dậy, lo toan lên nghiệp lớn của sư Vạn Hạnh. Nhiều giai thoại về tuổi thiếu niên của Lý Công Uẩn trong đó có bài thơ ông làm lúc bị phạt, muỗi đốt khó ngủ:
Thiên vi khâm chẩn, địa vi chiên.
Nhật nguyệt đồng song đối ngã niên
Dạ thâm bất cảm tràng thân túc
Chỉ khủng sơn hà, xã tắc điên.
Nghĩa là:
Trời làm màn gối, đất làm chiên
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên.
Đêm khuya chẳng dám giang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng
Lý Công Uẩn là người khảng khái, có sức khoẻ phi thường. Đến hai mươi tuổi ông vào kinh đô làm quan võ cầm quân trong triều Tiền Lê. Uy đức của Công Uấn cao đến nỗi Long Đĩnh (Ngọa Triều) là một ông vua rất tàn bạo mà cũng phải vì nể cho làm Tứ sương quân, phó chỉ huy sứ rồi thăng lên chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ.
Khi Long Đĩnh qua đời, triều thần khanh sĩ suy tôn dìu Tả thân vệ Điện Tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên chính điện lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế (ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 21/11/1009)). Từ đây triều tiền Lê chấm dứt, triều Lý được thành lập.
Tháng 2 năm Canh Tuất (1010) nhà vua về thăm quê nhà, ban tiền lụa cho các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo mười dặm đất làm Thọ Lãng Thiên Đức (nơi xây lãng các vị vua triều Lý).
Tháng 3 năm Canh Tuất (1010) tại Hoa Lư chính thức làm lễ đăng quang ngôi Thái Tổ. Đặt niên hiệu Thuận Thiên. Vì vậy ở quê Đình Bảng chọn ngày rằm tháng 3 âm lịch mở lễ hội Đền Đô để kỷ niệm ngày đăng quang của vua Lý Công Uẩn.
Mùa thu năm Canh Tuất (1010) nhà vua dời đô từ Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh Phủ. Thuyền tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng bay lên vì thế đổi là thành Thăng Long. Kinh đô Thăng Long có tên từ đó, mở ra một thời kỳ văn hoá rực rỡ.
Đền Đô được xây dựng ngày 3 tháng 3 năm Canh Ngọ (1030) do Lý Thái Tông (con trưởng Lý Thái Tổ) về quê làm giỗ cha khởi công. Đền Đô được đặt trên đất vượng khí tốt, dáng 8 đầu của 8 con rồng ở phía đông hương Cố Pháp. Đền Đô có tên là Cổ Pháp Điện nơi thờ 8 vị vua nhà Lý nên cũng gọi là đền Lý Bát Đế.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước lòng người dân Đình Bảng luôn hướng về lực lượng tiên tiến, yêu nước, chống ngoại xâm. Trong vụ Hà Thành đầu độc ngày 27-6- 1908 của nghĩa quân Đề Thám đã dùng Đình Bảng làm đại bản doanh để chỉ đạo nghĩa quân tiến về Hà Nội và các tỉnh phía nam:
Đình Bảng rền tiếng súng vang.
Ông Đề xuống chiếm Bắc Giang tỉnh thành.
Sơn, Tuyên, Thái, Lạng, Nghệ, Thanh
Bốn phương hưởng ứng dẹp bình như chơi.
(Bài vè Hà Thành đầu độc).
Dưới ách cai trị của thực dân Pháp, ánh sáng cách mạng của Đảng đã đến với người dân Đình Bảng từ rất sớm. Các đồng chí Nguyễn Duy Thân, Lê Quang Đạo đang học trường Bưởi, trường Thăng Long đã được tiếp nhận “Đường kách mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Giữa năm 1938 khi về quê nghỉ hè, đồng chí Lê Quang Đạo và những thanh niên yêu nước đã dấy lên phong trào đọc sách báo và truyền bá quốc ngữ. Đồng chí Lê Quang Đạo đã sáng kiến tổ chức một đám rước đèn tại sân đình với khẩu hiệu "đi học là yêu nước". Sau đó các điếm canh trong làng đều trở thành phòng đọc sách cách mạng, nơi học chữ quốc ngữ. Tác phẩm: "Vấn đề dân cày" của Qua Ninh và Vân Đình; các sách Giản yếu về Chủ nghĩa Mác- Lê nin; các báo Tin tức, Đời nay, Thợ thuyền, Chiến đấu... được chuyền tay nhau đọc. Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1939) các đồng chí Nguyễn Đình Thảo, Lê Quang Đạo... dùng xe đạp rải truyền đơn nhiều nơi như thị trấn Từ Sơn, Trang Liệt, Yên Viên...
Nhà cụ Đám Thi, nhà cụ Hương Canh... là nơi các đồng chí lãnh đạo xứ uỷ Bắc Kỳ: Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân... chọn làm cõ sở đi lại hoạt động cách mạng an toàn của Đảng.
Từ năm 1940 các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí khác đã lần lượt về Đình Bảng để làm việc. Như vậy, trên thực tế từ những năm 1940 Đình Bảng đã trở thành một trong những an toàn khu (ATK) của Trung ương Đảng và xứ uỷ Bắc Kỳ, là một trong những địa điểm đóng và làm việc của Trung ương Đảng và xứ uỷ Bắc Kỳ.
Tháng 8 năm 1940 đại diện xứ uỷ Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Chi bộ đầu tiên của Đình Bảng, trực thuộc Trung ương và xứ uỷ Bắc Kỳ. Chi bộ gồm 3 đồng chí: Nguyên Duy Thân, Lê Quang Đạo, Nguyên Trọng Tỉnh. Đồng chí Lê Quang Đạo được cử làm Bí thư Chi bộ đầu tiên của Đình Bảng.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII đã họp tại nhà cụ ĐámThi từ ngày 9 đến ngày 11/11/1940. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh... Hội nghị khẳng định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI là đúng đắn. Hội nghị chỉ rõ kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam lúc này là phát xít Nhật. Quyết định phát triển ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Trước tình hình khẩn trương, sôi nổi của cách mạng Việt Nam Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã họp tại Đình Bảng từ ngày 9 đến ngày 12/3/1945. Hội nghị đã đánh giá tình hình, đề ra những chủ trương, chính sách mới nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng đến thắng lợi. Trên cơ sở những nghị quyết của Hội nghị này Trung ương Đảng đã ra bản chỉ thị nổi tiếng "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".
Đồng chí Trường Chinh khi làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trong lần về thăm Đình Bảng đã nói: "Đình Bảng và Vạn Phúc là hai lô cốt thép của Đảng, ở hai nơi này đã không có đồng chí Trung ương nào bị địch bắt". Đồng chí Nguyện Văn Linh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về thăm Đình Bảng ngày 15/9/1990 đã kể rằng: "Năm mươi năm trước, tôi đã đi bảo vệ đồng chí Phan Đăng Lưu về Đình Bảng họp Hội nghị VII để nhận chủ trương công tác của Trung ương Đảng".
Một niềm vinh dự, phấn khởi đối với nhân dân Đình Bảng là mười một ngày sau khi tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Đền Đô, thăm hỏi nhân dân Đình Bảng và tưởng niệm Lý Bát Đế.
Ngày mồng 4 tết Bính Tuất (5-2-1946) nhân dân Đình Bảng vui mừng được đón Bác Hồ về chúc Tết, xem xét và chọn ngôi đình làng Đình Bảng làm địa điểm họp Quốc hội kỳ thứ nhất (khoá I). Trước đông đào cán bộ và nhân dân tập trung ở đình đón Bác. Bác đã chúcTết và nói:
-Quốc hội họp đầu tiên ở đây là một vinh dự lớn cho Đình Bảng. Cả nước sẽ hướng vê Đình Bảng. Song đi đôi với vinh dự đó đồng bào sẽ vất vả, các cụ và đồng bào có sẵn lòng giúp Chính phủ không? Có phiền phức không?
Mọi người cùng đồng thanh trả lời: "Thưa Bác không phiền gì ạ". Bác Hồ cảm ơn các cụ và dân làng rồi khen: "Thế là tốt".
Ngày 30/10/1946 Đình Bảng đón Bác Hồ về thăm lần thứ ba. Tại đình làng, Bác Hồ thay mặt Chính phủ ''Cám ơn các cụ và nhân dân Đình Bảng đã giúp Chính phủ chuẩn bị địa điểm họp Quốc hội, song vì thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta nên Quốc hội không họp được ở Đình Bảng. Giờ đây các cụ và dân làng nên cùng nhau chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu giữ nước, giữ làng".
Hưởng ứng lời dạy của Bác Hồ nhân dân Đình Bảng đã anh dũng, quyết liệt chống thực dân Pháp. Đảng bộ và nhân dân Đình Bảng vinh dự được Nhà nước tặng bằng "Có công với nhà nước" và danh hiệu cao quý ''Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Trong đó đội thiếu niên du kích Đình Bảng đã được tặng ''Huân chương chiến công hạng nhất", gương chiến đấu nổi tiếng gan dạ, dũng cảm và mưu trí của các bạn nhỏ tuổi đã được phản ánh sinh động trong tiểu thuyết ''Đội thiếu niên du kích Đình Bảng" của nhà văn Xuân Sách.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, trong bất kỳ tình huống nào người dân Đình Bảng luôn kiên trung, vững vàng bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ làng xã và những phong tục đẹp của quê hương. Truyền thống dòng họ, gia đình được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Sau họ Lý 8 đời làm vua, họ Nguyễn (vốn gốc là họ Lý) đã 7 đời làm quan nhà Hậu Lê. Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Long là vợ của chúa Trịnh Căn thuộc dòng Nguyễn Thạc. Nhà thờ họ Nguyễn Thạc có nhiều đôi câu đối ý nghĩa sâu sắc. Câu đối ở gian giữa ghi:
Cổ Pháp tú linh chung
Bát diệp sơn hà lưu vượng khí.
Hoàng Lê phong vũ nhuận
Thất truyền châm hốt nhận cao môn
Dịch nghĩa là:
Đất tốt của làng Cổ Pháp
Sông núi tám đời vua còn lưu vượng khí tốt
Triều Lê gió mưa thuận hoà
Mặc xiêm áo vào chầu nhận trách nhiệm làm quan
Ở Cổng đền mỗi mặt đều có tứ đại tự (bốn chữ lớn). Mặt ngoài ghi "Tử khí Đông Lai (Hào quang rực rỡ từ đông lại) mặt trong ghi"Lý nhân vi mỹ" (Người họ Lý làm điều tốt đẹp) Cống sông Ngò trên ghi ba chữ lớn "nam phong huân" (Gió nam tốt lành). Ngay cổng vào làng Đình Bảng hai bên có đôi câu đối nôm có ý nhắc nhở mọi người:
Hương ước lệ làng tiền bối dày công nghiên cứu.
Thuần phong mỹ tục, hậu sinh nghiêm chỉnh tuân theo.
Các bức đại tự, hoành phi, câu đối của các dòng họ, các gia đình thường là phương châm xử thế. Ở nhà cụ Nguyễn Đức Cung (tức cụ Thơ La - Thân sinh đồng chí Lê Quang Đạo) có bức hoành phi ''Duy tắc" để răn việc phép tắc, kỷ cương trong gia đình và dòng họ.
Khi về thăm Đình Bảng vua Tự Đức đã tặng bốn chữ "Mỹ tục khả phong"treo ở đình làng.
Đinh Bảng có tiếng gọi song thân "thưa thầy, thưa đẻ" thân thương kính trọng. Bánh ''phu thê" tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng được dùng trong những ngày lễ, tết.
Chính truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ đã làm nên truyền thống của làng xã - truyền thống tốt đẹp của làng xã đã tạo nên những làng quê trù phú, đẹp đẽ của dân tộc Vệt Nam. Những làng quê mang đậm tính dân tộc vừa có vóc dáng của làng xã văn minh, hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét