Giác Ngộ - Vào một chiều cuối hạ, chúng tôi có dịp đến chùa Pháp Võ - ngôi cổ tự của miền đất Sài Gòn tọa lạc nơi mũi Nhà Bè gắn liền với sông nước. Nhìn ngôi cổ tự thâm nghiêm với các hoa văn, họa tiết sắc sảo, ít ai biết rằng chính nơi đây từng là đầm lầy, ao hồ nước đọng nhưng chất chứa bao tấm lòng vì đạo, vì đời.
Thâm nghiêm ngôi cổ tự
Gần 100 năm trước, giữa chốn hoang vu của Nhà Bè xưa, ngôi Pháp Võ cổ tự được hình thành với mái lá đơn sơ, nằm hiền hòa bên những con sông, con rạch, các thửa lúa xanh mơn mởn, nép mình dưới hàng dừa xanh thẳm. Hàng ngày phơi mình dưới nắng trời gay gắt, đêm về tắm ánh trăng khuya, tiếng kệ lời kinh hòa trong tiếng chuông, tiếng mõ thanh thoát trầm hùng như chứng minh sự hiện hữu của ngôi chùa làng ẩn mình trong thôn xóm.
Thâm nghiêm một ngôi cổ tự
Trải qua bao năm tháng thăng trầm của thời cuộc, ngôi cổ tự đã nhiều lần được tái thiết và đặc biệt vào năm 1930 khi được trùng tu với quy mô lớn, xây dựng lại giảng đường, chánh điện, Đông lang và Tây lang. Nền lót gạch Tàu, lợp ngói, cột bằng gỗ với các câu liễn khắc bằng chữ Hán ý nghĩa thâm sâu tạo sự tĩnh mặc thâm trầm của ngôi chùa cổ. Liên tiếp những năm sau đó, chùa tiếp tục bị xuống cấp bởi chiến tranh ly loạn và lại được trùng tu nhưng cũng chỉ là sự chắp vá, chống chọi với thiên nhiên mang tâm niệm tạo nơi chốn cho Phật tử sớm hôm xây dựng niềm tin chân lý.
Thế rồi, nhân duyên lại đến, trong một lần viếng chùa, Phật tử Diệu Nguyệt Trần Thị Nga, nhận thấy chùa nằm trên khu đất ẩm thấp chỗ lở chỗ bồi, cây cỏ hoang sơ, ngôi chánh điện dần dần xuống cấp, đã vận động, hướng dẫn một số thân hữu đến tham quan, phát tâm một ít kinh phí ban đầu và khuyến khích Ni sư Thích nữ Như Thảo - trụ trì chùa khởi công đại trùng tu Pháp Võ cổ tự với quy mô lớn. Công trình chính thức được thực hiện vào ngày 25-6-2007, sau gần 3 năm xây dựng đã hoàn thành vào ngày 10-3-Canh Dần (22-4-2010) gồm giảng đường, Đại hùng bảo điện, tiền sảnh và dãy nhà Đông lang với tổng kinh phí xây dựng trên 32,7 tỷ đồng, đã thanh toán 28,5 tỷ và hiện còn 4,2 tỷ đồng.
Cổng chùa dưới ánh nắng chiều
Tại TP.HCM, Pháp Võ cổ tự là một ngôi chùa khá đặc biệt bởi lối kiến trúc và vật liệu tạo thành. Trong quá trình kiến thiết, chính Ni sư trụ trì đã ra tận Hà Tây, Hà Nội mua những khối gỗ lim được lấy ra từ một ngôi nhà cổ trên 150 năm của một gia đình thâm tín Phật giáo để làm các trụ cột của chùa. Ngoài ra, các mái cong theo lối cổ điển của chùa cũng đủ cho bao du khách cảm thấy khá thân quen với hình ảnh một ngôi chùa làng tọa lạc giữa chốn thị thành.
Thơm thảo một tấm lòng
Nhận trọng trách trụ trì Pháp Võ cổ tự vào ngày 8-2-Canh Thân (1980), đã tròn 30 năm dấn thân phục vụ Tam bảo, NS.Thích nữ Như Thảo hầu như góp mặt đầy đủ tất cả các Phật sự lớn nhỏ của Phật giáo thành phố bằng cả tấm chân tình. Ni sư hiện là Phó ban Từ thiện Xã hội TƯGH, Chánh Thư ký Phân ban Đặc trách Ni giới TP, Thư ký Ban Đại diện Phật giáo huyện Nhà Bè và nhiều trọng trách khác. Trong đó, có lẽ điều làm mọi người khâm phục ở bậc Ni lưu có vóc hình nhỏ nhắn này chính là người mẹ đỡ đầu cho gần 100 em nhỏ với cương vị Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy Trẻ mồ côi Pháp Võ.
Chánh điện chùa Pháp Võ
Hơn 10 năm qua, Pháp Võ cổ tự đã mở rộng vòng tay để đón nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa về để nuôi dạy, ăn học thành người. Mỗi em đến nương tựa cửa Phật đều có một hoàn cảnh khác nhau, do vậy những người nuôi các em cũng như làm dâu trăm họ. Có nhiều em do gia đình khó khăn không có điều kiện chăm nuôi cũng được đưa đến nhờ Ni sư nuôi giúp. Nhiều em thì bố mẹ mất sớm hay bỏ nhau cũng lần lượt được Ni sư mang về dạy dỗ. Hầu hết những em này đều hiểu biết về hoàn cảnh của mình nên rất ngoan hiền, không phá phách và học hành chăm chỉ. Theo Ni sư, thời gian dành cho các em cũng ngang bằng với thời gian dành cho các công tác Phật sự khác. Song song đó, Ni sư còn là bổn sư thế độ và hướng dẫn tu tập cho 42 vị Ni trẻ đang tuổi trưởng thành.
Chia sẻ với chúng tôi, Ni sư cho biết việc xây dựng hoàn tất ngôi chùa là niềm mơ ước và cũng để thực hiện tâm nguyện của người đệ tử Phật, nối gót thầy tổ, kiến tạo ngôi Tam bảo trang nghiêm để Ni chúng yên tâm tu học, thuận duyên hơn trong việc chăm nuôi các em mồ côi và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, tâm linh dân tộc. "Đây là một công trình vừa mang ý nghĩa về nguồn, tri ân chư vị lịch đại tiền bối tông môn Thiên Thai Giáo Quán, đã dày công tạo dựng nền móng ngôi chùa cổ trên mảnh đất hoang sơ, vừa mang trọng trách góp phần cho nền văn hóa dân tộc thêm phong phú về hình thức và sâu sắc về nội dung", Ni sư tâm sự.
Ni sư Thích nữ Như Thảo hiện là "mẹ" của gần 100 em nhỏ
đang được nuôi dưỡng tại chùa
Giờ đây, giữa vùng đất Nhà Bè đang phát triển từng ngày, Pháp Võ cổ tự uy nghiêm với mô hình kiến trúc cổ pha lẫn một chút hiện đại, đem sự hài hòa giữa xưa và nay tạo cho những ai có dịp viếng cảnh cảm giác như trở về quá khứ, hòa nhập vào không gian xa xưa có hàng dừa xanh, có mái chùa cổ kính cong cong, bên dòng sông lững lờ uốn khúc. Bấy nhiêu đó cũng làm cho mảnh đất này thêm sống động nhưng mộc mạc, thể hiện sự gắn bó giữa đạo và đời.
Bài, ảnh Tâm Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét