Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, số lượng các nhà cổ dân gian truyền thống còn lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Không những thế, các căn nhà này đang đứng trước nguy cơ biến mất do dấu vết của thời gian cũng như do chính con người.
Những căn nhà cổ còn nguyên giá trị
Trong hơn một năm qua, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển đã khảo sát hầu hết các căn nhà cổ dân gian truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại còn khoảng chục căn nhà theo dạng này nhưng trong số đó chỉ còn một số căn là còn nguyên giá trị.
Đầu tiên phải kể đến hai căn nhà ở Nhà Bè. Đó là nhà của bà Trần Thị Kim Hồng ở số 34/14 ấp 5 và nhà ông Nguyễn Kim Chung ở số 18/9 khu phố 7 thị trấn Nhà Bè. Hai căn nhà này được gia đình nhiều lần sửa chữa, sơn phết lại. Các đồ vật trong gia đình như tủ, bàn, ghế… được chạm khắc hoa văn rất độc đáo, tinh xảo. Chính vì thế mà nhiều năm qua, hai ngôi nhà này còn là “phim trường” của một số bộ phim như “Con thú tật nguyền”, “Dòng sông không quên”, “Mùa nước nổi”, “Ngọn cỏ gió đùa”… và gần đây nhất là phim “Người Bình Xuyên”.
Ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, có 2 ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Hữu Thời và Nguyễn Minh Chính. Trong đó, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Minh Chính được xây dựng cách nay hơn 100 năm còn khá kiên cố, kiến trúc rất đẹp và nguyên vẹn. Nhà trước được thiết kế 3 gian 2 chái, có 2 lối đi gắn kết với nhà phía sau, ở giữa hai lối đi có một khoảng rộng để trồng hoa kiểng… Khi chúng tôi đến thì nhà trước cửa khóa then cài, nhà sau đang được cho người ngoài thuê ở tiện thể trông coi nhà cửa cho chủ nhà. Phần gạch nền của nhà được lát bằng gạch lục giác có màu đỏ. Loại gạch này rất hiếm thấy trong những căn nhà cổ khác trên địa bàn thành phố hiện nay.
Ở huyện Bình Chánh hiện nay chỉ còn một căn nhà duy nhất của ông Huỳnh Kim Phú ở số 107A/4 ấp 1 xã An Phú Tây. Đây là căn nhà được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, nóc bánh ú, có 36 cột gỗ, các đầu kèo đều được khắc các hoa văn hình con rồng. Theo ông Phú thì căn nhà được xây dựng từ năm 1885, vốn là của một người giàu có trong vùng, đến năm 1900 ông cố của ông Phú là Tri huyện Phạm Văn Huynh mua lại và lấy bảng hiệu là Long quan hiệu. Căn nhà này không chỉ có kiến trúc cổ xưa mà còn mang dấu ấn lịch sử trong những năm kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn (1945-1946). Chính nhờ cái trang thờ rộng lớn của căn nhà và sự tinh ý của bà Lê Thị Hạnh (mẹ ông Phú) mà các cán bộ cách mạng như GS Trần Văn Giàu, GS Nguyễn Văn Chì, Ung Văn Khiêm, Huỳnh Văn Vàng thoát khỏi sự truy lùng của giặc Pháp. Về sau, căn nhà còn trở thành nơi dừng chân của Ủy ban kháng chiến Nam bộ lúc bấy giờ…
Trong nội thành thành phố hiện còn hai căn nhà cổ rất có giá trị là nhà của bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ ở số 292 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5 và nhà của bà Trần Thị Ngọc Thảo ở số 185/3 Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận. Hai căn nhà này đều được xây dựng từ cuối thế kỉ XIX và đến nay kết cấu chính của căn nhà vẫn còn nguyên vẹn. Các vật dụng bằng gỗ trong nhà đều được chạm khắc rất tinh vi với nhiều họa tiết theo quan niệm dân gian. Điều đáng mừng là căn nhà của bà Bích Thủy đang được các ngành chức năng lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp thành phố.
Ở huyện Hóc Môn có nhà của bà Ngô Thị Anh Đào ở số 15/2 đường Lê Thị Hà, khu phố 8, thị trấn Hóc Môn cũng là một kiến trúc cổ dân gian truyền thống điển hình. Căn nhà được xây dựng từ cuối thế kỉ XIX ở Biên Hòa, Đồng Nai. Sau đó vào năm 1942 chủ nhân căn nhà cho chuyển toàn bộ khung nhà về địa chỉ hiện nay. Căn nhà thuộc kiến trúc ba gian hai chái, mái ngói, nền gạch. Trên các kèo và bao lam đều có chạm khắc các họa tiết khá tinh vi.
Kế căn nhà cổ của bà Đào là nhà ông Phạm Văn Đúng. Căn nhà này cũng được xây dựng từ cuối thế kỉ XIX nhưng đến nay đã trải qua hai lần sửa chữa lớn và hiện nay nhìn từ bên ngoài thì căn nhà hoàn toàn có kiến trúc hiện đại.
Cùng cảnh ngộ với căn nhà của ông Phạm Văn Đúng nhà ông Trần Minh Thạc ở ấp 10, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Trước đây, căn nhà của ông Thạc cũng là nhà cổ dân gian truyền thống với kết cấu ba gian hai chái vật liệu bằng gỗ. Vào năm 2002, chủ nhà đã cho trùng tu sửa chữa và kết quả là hiện nay căn nhà hoàn toàn là một kiến trúc hiện đại.
Theo thống kê thì số lượng nhà cổ đã giảm đi ít nhiều trong thời gian gần đây. Hiện tại chỉ còn khoảng 8 căn nhà theo kiến trúc cổ dân gian còn giữ được nguyên vẹn những giá trị của nó.
Số phận của những căn nhà cổ
Trong số 8 căn nhà cổ nói trên thì có lẽ may mắn nhất là nhà của bà Bích Thủy ở quận 5. Ban Quản lí Di tích và Danh lam thắng cảnh thuộc Sở Văn hóa thông tin đang lập hồ sơ công nhận là di tích cấp thành phố. Còn lại những ngôi nhà khác đang đứng trước nguy cơ biến mất do quy hoạch phát triển thành phố.
Căn nhà của ông Huỳnh Kim Phú hiện nay nằm trong vùng quy hoạch của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Hiện tại công ty này đã cắm cột mốc ngay sát tường nhà. Ông Huỳnh Kim Phú rất mong muốn được giữ lại căn nhà này. Theo ông Phú thì đây là ngôi nhà lâu đời và từng là nơi che giấu cán bộ cách mạng nên cần được xem xét giữ nguyên hiện trạng khuôn viên và ngôi nhà này. Ông Phú đã rất vất vả trong việc liên hệ với các cơ quan chức năng nhờ can thiệp để giữ lại căn nhà. Đáng lưu ý là vào năm 2004, ông đã bỏ ra gần 200 triệu đồng để trùng tu căn nhà theo hướng giữ nguyên kiến trúc cổ. Tâm huyết và công sức của ông Phú liệu có được các ngành chức năng xem xét?
Cũng nằm trong diện quy hoạch là căn nhà của ông Thời và ông Chính. Đây là hai căn nhà nằm trong diện quy hoạch xây dựng khu Công nghệ cao của thành phố. Cũng như anh Phú, chủ nhân hai căn nhà này, đặc biệt là ông Thời rất mong muốn các ngành chức năng xem xét bảo tồn để lưu giữ những giá trị cho mai sau.
Cũng với tình hình đó, căn nhà của ông Chung và bà Hồng ở huyện Nhà Bè cũng chưa biết tồn tại đến khi nào nếu dự án mở rộng kho xăng Nhà Bè được thực thi.
Như vậy, trong 8 căn nhà cổ thì có đến 5 căn nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, nguy cơ bị xóa sổ của những căn nhà này là rất lớn, và không ai khác ngoài chúng ta tự đánh mất đi những những căn nhà này.
Ngoài ra, sự biến mất của những căn nhà còn do tác động của thời gian. Tất cả các căn nhà đều có trên một trăm năm nên nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó việc sửa chữa, thay thế những hạng mục theo kiến trúc cổ rất khó khăn, vừa tốn kém vừa thiếu độ sắc sảo.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng ngoài việc sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với các căn nhà này cần tích cực giúp đỡ chủ nhà không những về kinh phí trùng tu mà còn về chuyên môn kĩ thuật. Đây là việc cần làm gấp để tránh lặp lại trường hợp như việc biến mất của từ đường tri huyện Trương Văn Lánh ở Bình Thạnh, hoặc thay đổi kết cấu và kiến trúc như nhà ông Đúng ở Hóc Môn, nhà ông Thạc ở Củ Chi…
Điều đáng mừng là hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ những căn nhà này và đề nghị Ban Quản lí Di tích và Danh lam thắng cảnh cùng các ngành chức năng có kế hoạch bảo tồn và công nhận di tích cấp thành phố. Hi vọng những căn nhà này sẽ tồn tại như một giá trị đặc sắc trong truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nguyễn Tấn Tự
(Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét