Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Đền Văn Thánh giữa quê nghèo

 Giữa cánh đồng làng An Phong - một làng quê nghèo (nay là thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) có một di tích văn hóa lịch sử khá đặc biệt, có tên là đền Văn Thánh, được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX, là nơi thờ tự các bậc văn nhân tiền bối, từng một thời là nơi qui tụ những nhà trí thức khoa bảng của cả tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng chiến tranh và thời gian, tất cả đã làm cho đền Văn Thánh trở thành hoang phế, im lìm nằm đó giữa cánh đồng, như đang trầm tư về thời cuộc.
         
Cổng chính Nam, đền Văn Thánh
 
          Di tích Đền Văn Thánh
          Đền Văn Thánh toạ lạc giữa cánh đồng, mặt tiền hướng về Đông Nam, cách đường Quốc lộ 1A khoảng 600m về phía Đông, là nơi thờ tự các vị văn nhân tiền bối, do ông Nguyễn Bá Nghi đề xuất và do các vị nhân sĩ trí thức đương thời đứng ra xây dựng vào năm Giáp Dần -1854; và đến năm Mậu Ngọ -1858 được tu tạo hoàn chỉnh. Trải qua năm tháng và chiến tranh đền Văn Thánh nay đã hư hỏng nghiêm trọng, hầu như phế tích. Những gì còn lại bây giờ chỉ là khuôn viên với hoang tàn đổ nát. Nhưng qua hồ sơ lý lịch di tích do Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi thành lập và qua góp nhặt từ những người lớn tuổi có hiểu biết, cũng đã xác định khái quát được qui mô, hình thể đền Văn Thánh của ngày xưa.
          Khuôn viên đền Văn Thánh rộng 3.450m2 bao gồm vườn, sân, cổng ngõ, vây quanh có tường cao 1m50, dày 50cm, được xây theo hình chữ Bát. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc được bố trí theo hình chữ Môn.  
          Cổng chính cấu trúc một gian, có lầu cổng, gắn liền với bờ tường. Trên mặt cổng có hàng chữ nổi, hai bên mặt trước cổng là hai hàng câu đối. Mặt sau cổng có hình hai độc bình đối xứng, cắm cây “tướng quân”. Phần trên cổng có lầu ngõ, gác chuông, mái lợp ngói âm dương. Chiều cao cổng là 6m, lầu ngõ 2m. Mặt trước cổng rộng 3m30, lối vào rộng 1m80, mặt cắt dọc 3m. Phần trong cổng có hình mái vòm, lõm.
          Từ cổng chính vào 4m là tấm bình phong Tiền cao 2m, chiều ngang 2m40. Từ tấm bình phong này theo đường thẳng 10m về phía Tây có dinh thờ Thổ thần, cao 2m50, rộng 2m, mái lợp ngói âm dương. Hai bên bình phong Tiền có 2 trục đạo thẳng 10m vào sân. Trước sân có một tấm bình phong Hậu, cao 1m50, ngang 2m30, gắn với một bức tường mỗi bên 5m. Sau tấm bình phong Hậu là sân rộng khoảng 400m2. Hai bên sân là 2 toà miếu phụ Đông và Tây, hướng mặt vào sân, là nơi hội họp và tổ chức khánh tiết.
          Cách sau tấm bình phong Hậu 20m là ngôi miếu chính, diện tích khoảng 100m2, đã sụp đổ vì bom đạn trong chiến tranh, còn lại ngổn ngang đá ong. Trên nền miếu chính còn 5 tấm bia bằng đá xám. Trước kia, miếu chính được làm bằng gỗ lim, lối kiến trúc chồng rường giả thú, gồm 30 cây cột, 3 hàng cột đỡ lấy bộ vì kèo, có chiều cao 10m, có 3 gian, có tất cả 12 cánh cửa, mái cổ áo (hai tầng), lợp ngói âm dương. Hình mái cong bốn góc, có trang trí hình long, lân, qui, phụng và nhiều hoa văn ghép bằng đĩa xưa và mẻ sành sứ. Chính giữa Miếu chính là hai bệ thờ. Năm tấm bia được bố trí bên trong nền Miếu chính theo hướng Đông, Tây, Bắc. Tất cả các bia ở Văn Thánh đều được chế tác bằng một loại chất liệu đá xám như nhau, hoa văn, họa tiết khá phong phú.
          Bia thứ nhất làm thời Bảo Đại thập tứ niên - năm 1939, cao 2m, rộng 1m10, dày 15cm, diềm bia 15cm, chạm khắc hình hoa dây leo theo băng chuyền và họa tiết đối xứng. Văn bia khắc chìm họ tên, chức vụ các vị cử nhân, tú tài đương thời.
          Bia thứ hai được tạc năm Đinh Dậu - 1957 nằm cạnh bia thứ nhất, ở phía Đông, mặt hướng Tây, cao 1m, rộng 50cm, dày 12cm. Văn bia khắc chìm và ghi tên những người vào "Khổng - hội học" sau này.
          Bia thứ ba (bị gãy), được làm năm Tự Đức thập ngũ niên, năm Nhâm Tuất -1862, mặt hướng về Nam, cao 1m, rộng 60cm. Trán bia hình tròn, tâm trán hình mặt nguyệt, là tấm bia được chạm khắc khá tinh vi. Văn bia được khắc chìm, ghi tên họ các vị thượng thư, tri phủ, cử nhân tú tài đương thời.
          Bia thứ tư làm năm Tự Đức thập ngũ niên, năm Nhâm Tuất - 1862, lưng hướng Tây Bắc, mặt hướng Đông Nam cao 1m20, rộng 60cm. Hoa văn họa tiết giống bia thứ ba. Nội dung đặc biệt ghi một bài văn.
          Bia thứ năm được làm thời Tự Đức thập lục niên, năm Quý Hợi 1863, mặt hướng Đông, được chạm khắc công phu và sắc sảo. Các hoa văn và họa tiết trên trán và diềm bia khác các tấm trên. Chiều cao 1m, rộng 60cm, dày 15cm. Văn bia khắc chìm tên họ 7 vị cử nhân làm quan đương thời.
          Từ Miếu chính dựng các bia này, theo trục dọc Đông – Tây có 2 cổng. Cổng phía Tây cao 4m, rộng 3m, mặt cắt 1m50, lối vào 1m80, lòng cổng hình mái vòm, mái lợp ngói âm dương. Cổng phía Đông cấu trúc như cổng phía Tây. Các cổng, bờ tường, dinh thờ, các bình phong, nền móng… ở đền Văn Thánh đều làm bằng một loại chất liệu như nhau là đá ong trộn vôi mật.

Đền Văn Thánh toạ lạc giữa cánh đồng

Hoang tàn trên nền miếu chính         
 
          Quê nghèo tự hào có đền Văn Thánh
          Xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - một vùng quê nghèo, thuần nông, người dân bao đời "một nắng hai sương" cuốc cày mưu sinh với nghề chính là trồng lúa nước. Quê nghèo nhưng người dân tự hào về truyền thống hiếu học, minh chứng điều đó là sừng sửng vóc dáng đền Văn Thánh khá đồ sộ về kiến trúc, gắn với tên tuổi của nhiều bậc sĩ phu trí thức một thời của tỉnh Quảng Ngãi và cả nước.
          Ngoài là nơi thờ tự các vị văn nhân tiền bối, đền Văn Thánh còn được xem là biểu tượng của Văn - hội, hay còn gọi là Văn thân, qui tụ các giới quan lại, những nhân vật có khoa bảng và những người có thế lực đương thời (Văn - hội cùng với Võ - hội, là 2 tổ chức Trong “Nghĩa hội Cần Vương” ở Quảng Ngãi, do ông Lê Trung Đình đứng đầu). Và cũng tại đền Văn Thánh, vào năm Kỷ Dậu - 1956 “Khổng - hội học” cũng được thành lập bởi một số nhân sĩ trí thức và một số người dân trong vùng.
          Lễ hội hàng năm tại đền Văn Thánh được tổ chức vào ngày Đinh của tháng 3 và tháng 8 Âm lịch. Có hơn 5 mẫu ruộng làm quỹ để chi phí cho các ngày lễ hội. Vào những ngày này, đền Văn Thánh là nơi qui tụ những văn nhân, những nhân vật có khoa bảng và những người có thế lực, các giới quan lại đương thời. Nhiều người lớn tuổi ở xã Đức Chánh, ở huyện Mộ Đức bây giờ còn nhớ và kể lại rằng, vào các dịp tổ chức lễ hội ở đền Văn Thánh ngày xưa, các văn sĩ đến đàm đạo và để lại nhiều tập văn, thơ. Có cả một hòm đựng văn, thơ của các văn sĩ đặt trang trọng trong miếu chính. Có lẽ chiến tranh ác liệt đã làm hỏng hoặc thất lạc, nay không còn tìm thấy.
          Đền Văn Thánh khá đồ sộ về kiến trúc, là nơi thờ tự các vị văn nhân tiền bối, là nơi tụ hội của những văn nhân trí thức và những người có thế lực đương thời của tỉnh Quảng Ngãi. Đền Văn Thánh thiêng liêng và trang trọng, được xây dựng ở giữa giữa cánh đồng hiu quạnh của làng quê nghèo thuần nông. Điều đó đã không ít lần gợi cho nhiều người thắc mắc vì sao người xưa lại chọn vị trí, đặt xây công trình có gía trị văn hóa lịch sử lớn và rất ý nghĩa này tại một nơi như thế? Chưa thấy có tài liệu nào giải thích thỏa mãn thắc mắc này, nhưng có chắc chắn một điều ai cũng thừa nhận là tuy xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức là miền quê nghèo, nhưng có truyền thống hiếu học lâu đời và có nhiều người đỗ đạt cao. Truyền thống hiếu học là niềm tự hào của người dân xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Đền Văn Thánh tọa lạc trên vùng đất này là sự minh chứng rõ nhất điều đó. Niềm tự hào ấy đã và đang là hành trang, là động lực để những người con từ vùng quê nghèo luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, trong lập thân, lập nghiệp. Và dù có "đi bốn phương trời", họ vẫn nhớ về cố hương, nơi có đền Văn Thánh - biểu tượng truyền thống hiếu học, truyền thống trọng chữ nghĩa.
          Một sớm tháng 5 tinh khôi mới đây về đền Văn Thánh. Giữa um tùm cây cối, nắng sớm xuyên qua kẻ lá, chiếu xuống những bức tường thành nghiêng ngả rêu phong. Không gian tĩnh lặng, mặt đất im lìm như trầm tư, như như gợi nhắc từng in dấu những bước chân của những bậc văn nhân trí thức, các bậc Nho sĩ nổi tiếng một thời của miền "Ấn - Trà". Và hơn ai hết, những người dân ở đây đau đáu ước nguyện về một ngày không xa, đền Văn Thánh sẽ được tôn tạo để mãi là niềm tự hào của quê hương./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét