Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Làng Thanh Toàn

Vẫn mang đậm vẻ xưa bình dị, mộc mạc, chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn được tái hiện qua cảnh buôn bán tấp nập của phiên chợ vùng nông thôn ở Huế. Những đứa trẻ say sưa với những con tò he đầy mầu sắc, những thiếu nữ thích thú với các món chè Huế, xa xa là tiếng bễ rèn, tiếng hát bài chòi văng vẳng…
Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm Tp. Huế chừng 8km theo đường bộ về phía đông.
Cầu ngói Thanh Toàn vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và còn là một thắng cảnh.
Làng Thanh Toàn được thành lập vào thế kỷ 16. Những di dân từ đất Thanh Hoá theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây, tạo nên 12 họ khai canh của làng.
Một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để dân làng qua lại được thuận tiện. Ðây cũng là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Bà Trần Thị Ðạo là vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông nhưng không có con. Bà muốn dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng, cho xứ. Bà được dân làng tôn sùng, thờ phụng. Năm 1776, vua Lê Hiển Tông đã ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong thần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.
Tại mỗi kỳ Festival Huế, tại xã Thủy Thanh đều làm lễ rước linh vị bà Trần Thị Đạo, lễ rước này là nghi thức mở đầu cho ngày khai mạc “Chợ quê ngày hội”, một trong những chương trình văn hóa – du lịch trong khuôn khổ Festival Huế.
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian. Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Đây là loại cầu hiếm hoi và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu Việt Nam. Vào nửa đầu thế kỷ XX, ở ngoài Bắc có hai chiếc cầu nổi tiếng thuộc loại này là cầu Phúc Toại và cầu Phù Khê, còn ở miền Trung thì chỉ có cầu ngói Thanh Toàn ở Huế và Chùa Cầu ở Hội An mà thôi, nhưng mái ngói cầu ngoài Bắc thì lợp ngói liệt, còn mái cầu ở miền Trung đều lợp bằng ngói ống.
Chiếc cầu được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó.
Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và tôn trọng di sản văn hoá, nhiều thế hệ dân làng Thanh Toàn đã gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo của Huế. Tháng 9/1991, cầu được trùng tu lớn theo qui mô cũ và chính thức được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận Di tích quốc gia, trở thành danh thắng quý hiếm của cả nước.
Qua mỗi kỳ Festival, chợ quê cầu ngói Thanh Toàn đã trở thành một điểm du lịch đồng quê được nhiều du khách chọn lựa, nhất là du khách nước ngoài vô cùng lạ lẫm với không gian đồng quê Việt Nam. Đến đây du khách được tự tay mình xay bột, học làm bánh Huế, hay chèo đò dạo chơi sông…. tư đó tìm thấy được nét quê xưa ở cái mát trong của hương lúa vào vụ, ở vị của những món ăn làng quê Cố Đô và ở vẻ đẹp văn hóa tinh thần nơi làng quê Huế xưa nằm trong vẻ nhộn nhịp của lối sống hiện đại.


 Từ đường họ Ng
HUẾ - Từ đường họ Ngô làng Thanh Thủy Chánh by Đăng Định





Cầu ngói: Thượng gia hạ kiều, tức "trên nhà dưới cầu" là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của người dân Việt, ghi dấu ấn kiến trúc, thủ công mỹ nghệ tài hoa của người nông dân lúa nước Việt Nam.Posted ImageVề thăm cầu ngói Thanh Toàn

AT - Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km về hướng Đông, cầu ngói Thanh Toàn (thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.

Cầu không chỉ là một di tích kiến trúc có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà nó còn là một thắng cảnh.

Sự tích về cây cầu

Theo người dân kể lại, vào khoảng năm 1776 có một người cháu gái thuộc thế hệ thứ 6 của họ Trần đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để nhân dân trong vùng tiện bề qua lại. Vừa khỏi phải dùng đò ngang vừa có chỗ nghỉ ngơi, hóng mát trong những buổi trưa hè hay những đêm trăng sáng. Cầu còn là nơi cho lữ khách cùng người tha phương cầu thực có chỗ tạm dừng chân khi lỡ bước giữa đường.

Posted Image


Bà là Trần Thị Đạo, vợ thứ ba của một vị quan lớn dưới triều vua Lê Hiến Tông nhưng không có con. Vì vậy, bà muốn dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng và chiếc cầu là “đứa con tinh thần” mà bà để lại cho người đời.

Biết được nghĩa cử này, năm 1776 vua Lê Hiến Tông đã ban sắc khen ngợi bà và miễn cho dân làng nhiều thứ sưu dịch. Đến năm 1925, trong một sắc phong khác, vua Khải Định đã truy tặng cho bà tước vị Dực Bảo Trung Linh Hưng phò; hạ lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà và mong bà phò hộ cho dân chúng. Từ đấy, bà được dân làng tôn sùng, thờ phụng.

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối “thượng gia, hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Cầu làm bằng gỗ với dáng cong nhẹ nhàng, chiều dài 17m, chiều rộng 4m, được chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che lợp ngói lưu ly. Đây là loại ngói ngày xưa người ta rất quý, có tráng men và được sản xuất từ Trung Hoa, thường người ta chỉ sử dụng trong các công trình kiến trúc dành cho vua quan.

Chốn đồng quê mộc mạc, yên bình

Con đường về cầu ngói Thanh Toàn được xem là một trong những con đường làng đẹp nhất ở Huế. Hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh biếc, những vườn cây trĩu quả... Màu xanh của những cánh đồng lúa mơn mởn sẽ làm dịu đi cái nắng hè gay gắt. Đạp xe trên con đường làng ấy bạn sẽ quên đi cái nắng gắt, mệt nhọc bởi mùi thơm của lúa non, mùi khói rơm đốt đồng lẫn trong mùi đất hay mùi thơm từ trái cây chín... Không khí thật trong lành, mát mẻ.

Phong cảnh làng quê càng mộc mạc bao nhiêu thì con người nơi đây cũng chân tình và giản dị bấy nhiêu. Dường như chính con người nơi đây đã tạo ra vẻ đẹp thơ mộng ấy. Những hình ảnh đã không còn xuất hiện ở nhiều làng quê Việt Nam thì con người nơi đây lại gìn giữ như một báu vật. đó là những sinh hoạt ngày mùa như xay lúa, đạp nước, nghe hò đối đáp, hò giã gạo... Từ trên cầu phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cây đa cổ thụ trước sân đình, bến nước và cả những con đò.

Cạnh cầu ngói là một khu chợ quê tuy không tấp nập nhưng mang lại cho du khách cảm nhận về một làng quê Việt Nam xanh mướt và bình dị. Bên trong chợ là những phụ nữ đang mải miết chằm nón lá. Tại phiên chợ quê ấy, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà hương vị Huế do chính người dân địa phương chế biến như bánh khoai cá kình, bún hến Vĩ Dạ, bánh canh Thủy Dương... Ngoài ra, những chai rượu làng Chuồn, rượu Thanh Vinh nổi tiếng cũng được bày bán tại phiên chợ quê này.

Cách cầu chừng 20m là Nhà trưng bày của xã Thủy Thanh. Tại đây trưng bày hàng trăm hiện vật gồm các dụng cụ nhà nông và hoạt động của văn minh lúa nước như cày, bừa, liềm, cuốc, cối xay lúa... Ngoài ra còn có các dụng cụ thường ngày để bắt cá đồng như lưới, nơm, oi cùng các đồ lưu niệm bằng tre, mây. Chính nơi đây đã góp phần tô thêm vẻ đẹp trong quần thể di tích cầu ngói Thanh Toàn.

Cầu ngói gắn liền với tổng thể không gian làng Thủy Thanh trong đó bao gồm cả hệ thống nhà thờ họ, đình chùa, nhà vườn có kiểu kiến trúc và bài trí khá đặc sắc. Cách cầu ngói khoảng 5km còn có đình làng Vân Thê, nhà thờ Tôn Thất Thuyết - một di tích lịch sử cách mạng.

Cầu ngói Thanh Toàn trở thành một điểm đến tuyệt vời cho du khách trong và ngoài nước. Ở đây du khách sẽ có dịp thưởng thức vẻ đẹp kiến trúc truyền thống đặc biệt của cây cầu và ngưỡng mộ lòng vị tha của một đấng nữ lưu. đồng thời du khách được trải nghiệm cảm giác thú vị về một sinh hoạt cộng đồng mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và cảm nhận được sức hút của vùng đất đã đi vào ca dao:

Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét