Kim Sơn – miền đất bồi tụ của hai cửa sông lớn là sông Càn và sông Đáy ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt năm Kỷ Tỵ - 1809, gắn với công lao của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm1829. Tuy không nhiều điểm di tích lịch sử, nhưng Kim Sơn được nhiều người biết đến bởi hai công trình kiến trúc độc đáo: Cầu Ngói Phát Diệm và Nhà thờ đá Phát Diệm.
Cây cầu “3 nhịp-12 gian”
Ảnh của Vão An Ninh
Cầu Ngói Phát Diệm bắc qua sông Ân ở thị trấn Phát Diệm là cây cầu dạng cầu vồng độc đáo, một công trình kiến trúc dân gian đặc sắc ở vùng công giáo Kim Sơn.
Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Chiều dài cầu 36 m và chiều rộng 3 m. Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói đỏ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lối đi hai đầu cầu có các bậc tam cấp.
Vừa có chức năng giao thông, lại vừa là điểm dừng chân tránh mưa nắng, nơi hò hẹn lứa đôi… Cầu Ngói Phát Diệm bao đời nay có một vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa cư dân vùng đất mở Kim Sơn.
Ở Việt Nam hiện chỉ có 3 cầu ở dạng này được nhiều du khách biết đến. Đó là: Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Chùa Cầu ở sông Hoài-Hội An (Quảng Nam) và Cầu Ngói Thanh Toàn ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế).
Công trình Công giáo kiểu Á Đông
Nhà thờ Phát Diệm
Kim Sơn mang đặc trưng của một xứ Đạo với rất nhiều nhà thờ công giáo. Nhà thờ đá Phát Diệm là một tổ hợp các nhà thờ với lối kiến trúc độc đáo, hấp dẫn đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1998 và là một điểm đến quan trọng trong các tour du lịch Ninh Bình hiện nay.
Nhà thờ đá Phát Diệm có sự kết hợp hài hoà hai nền nghệ thuật Âu Châu và Á Đông. Nét độc đáo ở đây là, các công trình của Công giáo đã được “Việt hóa” theo lối kiến trúc đình chùa truyền thống của nước ta. Quần thể kiến trúc này được sáng tạo bởi Linh mục Phêrô Trần Lục (1825-1899).
Khu Nhà thờ được xây dựng chủ yếu bằng đá kết hợp với gỗ trong một thời gian dài, từ năm 1875 đến 1899 (24 năm). Diện tích toàn khu rộng gần 30.000 m² với 11 hạng mục công trình được xây cất, bố trí hợp lý, tạo nên cảnh quan trang nghiêm và đẹp mắt.
Các hạng mục bao gồm: Ao hồ, Phương đình, Nhà thờ lớn, 4 nhà thờ nhỏ, Nhà thờ đá và 3 hang đá nhân tạo. Điểm nhấn trong quần thể chính là nhà thờ Trái tim Đức Mẹ, quen gọi Nhà thờ đá, được xây dựng hoàn toàn bằng đá, từ nền, tường, chấn song, cột, xà, đến các bức phù điêu…
Chính lối kiến trúc có một không hai trên thế giới này mà từ trước đến nay, người ta lấy tên Nhà thờ đá để gọi chung cho cả khu nhà thờ xứ Phát Diệm.
Nguyễn Bình
Một công trình kiến trúc độc đáo
nguoicodo - Không được phổ biển như cầu gỗ, cầu sắt, hay cầu đá, cầu ngói là một dạng kiến trúc độc đáo và hiếm thấy nhất ở Việt Nam. Hiện nay trên toàn quốc chỉ có khoảng chục cây cầu lớn nhỏ nhưng nổi tiếng nhất thì chỉ có 3 cầu. Một là cây cầu Ngói qua sông Ân ở trung tâm thị trấn Phát Diệm (Ninh Bình) thứ hai là chùa Cầu qua sông Hoài ở Hội An và thứ ba là cầu Ngói làng Thanh Toàn ở Hương Thủy - Thừa Thiên Huế.
Huyện Kim Sơn được ghi vào bản đồ Việt Nam từ năm 1829 từ một vùng đất sình lầy ven biển, đỏ nặng phù sa. Cùng với việc lập làng, Nguyễn Công Trứ cho tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi. Trước hết là việc đào con sông Ân nối sông Vạc với sông Càn để lấy nước ngọt. Việc đào kênh mương được tiến hành song song với việc làm đường, quật thổ, bồi cư, phân chia địa giới. Công trình cầu Ngói cũng ra đời trong hoàn cảnh đó. Kim Sơn mang đặc trưng của một xứ Đạo với rất nhiều nhà thờ công giáo. Những thánh giá màu trắng bạc nổi lên khắp cả bầu trời, trông cao vút. Đoạn quốc lộ 10 bên sông Ân dài khoảng 8km chia đôi các xã buổi đầu thành lập, nay là khu vực phía Bắc huyện. Đây là con sông nhân tạo nước chảy hai chiều theo mùa.
Phía dưới là thuyền bè qua lại tấp lập. Rất nhiều cây cầu bắc qua sông này với khoảng cách là 500m. Cây cầu bên trên lợp mái ngói, nằm giữa trung tâm huyện là cây cầu cổ nhất, có tuổi đời gần bằng lịch sử huyện này. Từ năm 1876, cầu Ngói được xây dựng với toàn bằng gỗ và ngói. Sàn cầu lúc ấy là những tấm gỗ ván dài đến 10m được đóng vào dàn khung dầm cầu bằng những cây đinh đóng thuyền; cột chân cầu bằng gỗ, những cây gỗ lớn cỡ hai vòng tay người ôm mới xuể, nó lien tục được gia cường tu bổ để phục vụ nhu cầu đi lại, đây cũng là con đường chính để người dân tiến ra lấn biển... Trải qua thời gian, rêu xanh bám quanh cột cầu rất trơn, những lớp rêu phù du đã chứng kiến bao nhiêu biến thiên thăng trầm của xứ Đạo Phát Diệm; không biết đã bao lần nước xuống - nước lên đỏ nặng phù sa.
Resized to 98% (was 762 x 600) - Bấm vào hình dể xem theo kích thước thật
Sự phá hủy của chiến tranh đã tàn phá nặng nề nét cổ kính rêu phong của câu cầu nhưng nó không thể nguôi ngoai tình cảm trong lòng người dân vùng đất mở. Từ năm 1984 những tấm gỗ sàn cầu không đủ sức chịu được tải trọng nên nó được thay bằng sàn bê tông. Cầu có hai nhịp, hai bên thành là lan can, hai bên đầu cầu có bậc tam cấp nối xuống đường và bước xuống dòng sông.
Sở dĩ cầu Ngói có tam cấp ở hai đầu là vì nó được nối bởi 2 đầu là ngã ba đường và mỗi đầu đều nằm ở dốc cầu. Một bên là quốc lộ 10, một bên là đường nối 2 chợ Nam Dân và Lưu Phương chỉ cách đó 500m rất đông người qua lại. Nhưng theo kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện thì người Việt thiết kế tam cấp 2 đầu cầu với ngụ ý hạn chế mọi phương tiện đi trên cầu, hoặc phải dắt bộ. Cách bố trí như vậy khiến con người có cảm giác đang bước vào một căn nhà, rất thân thiện và gần gũi. Qua đặc điểm kiến trúc cũng có thể thấy được cầu ngói được xây dựng với ý đồ là điểm dừng chân, tránh mưa, tránh nắng của người dân và khách đi đường.
Cầu ngói Phát Diệm là công trình kiến trúc dân gian đặc sắc ở vùng công giáo Kim Sơn. Cầu ngói là chiếc cầu vồng bằng gỗ 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Tổng chiều dài cầu 36 m, chiều rộng 3 m, hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim. Trên cầu có mái che cầu phong li tô, lợp ngói đỏ cổ truyền. Cầu này là loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Nếu như chùa Cầu ở Hội An mang phong cách Nhật Bản gợi cho ta cảm giác khá nặng nề trước những khối xây gạch bịt ở hai đầu, cầu Ngói Thanh Toàn dù cũng được xây chủ yếu bằng gỗ nhưng chưa toát nên được dáng vẻ nhàng thanh thoát đồng thời lại thiếu phần cổ kính và dấu ấn kiến trúc Việt Nam thì riêng cầu ngói Kim Sơn là công trình kiến trúc cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, nghệ thuật và thể hiện tài năng sáng tạo đặc biệt của người dân công giáo. Cầu ngói Kim Sơn vừa là một cây cầu với chức năng giao thông vừa là một mái đình làng cổ kính thuộc sở hữu cộng đồng.
Cầu Ngói Phát Diệm bắt qua sông Ân nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 30 km. Có thể đến Cầu Ngói từ 2 hướng quốc lộ 10:
- Từ phía miền Trung và Nam đến nút giao với quốc lộ 1 tại thị trấn Tào Xuyên (Thanh Hóa) rẽ qua Nga Sơn để đến Cầu Ngói.
- Từ miền Bắc đến nút giao với quốc lộ 1 tại cầu Lim, thành phố Ninh Bình qua huyện Yên Khánh để đến cầu Ngói.
Cầu Ngói có vai trò khá đặc biệt trong đời sống văn hóa cư dân vùng đất mở Kim Sơn.
Cầu Ngói Phát Diệm vẫn mãi là biểu tượng tình cảm thiêng liêng của người Kim Sơn, dù người dân đất này rất năng động, họ đã có mặt ở mọi miền tổ quốc; nhắc tới cầu Ngói luôn gợi nhớ cho ai đã đến đây những cảm xúc chào dâng. Mặc dù con sông và hai bên đường đã được bê tông hóa khá kiên cố nhưng cầu vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc vốn có. Bên cầu là hàng cây phượng vĩ nở hoa đỏ rực vào những ngày hè. Hàng năm cứ đến đêm rằm tháng 8 trung thu, người dân Kim Sơn lại tổ chức thả hoa đăng xung quanh cầu, một không gian huyền ảo như thực như mơ. Dòng người từ 6 ngả đường 2 bên cầu đổ dồn về tấp lập.
Cũng trong đêm trăng huyền ảo, tâm hồn thanh thoát thư thái, người dân Phát Diệm – Lưu Phương còn tổ chức đêm thơ bên cầu Ngói. Tại đây du khách được nghe những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp quê hương Kim Sơn – Ninh Bình, tình làng nghĩa xóm hoặc ca ngợi khí tiết anh hùng của các bậc tiền nhân Nguyễn Công Trứ, Đinh Tiên Hoàng. Những người già, tao nhân và tất cả nhưng ai ham thích cờ tướng thường làm thêm các chòi tranh để ngồi đánh cờ, có phục vụ trà nước, hội thi đánh cờ …
Đồ lưu niệm cho khách ở đây có gắn lôgô, biểu tượng về Cầu Ngói. Nhiều mặt hang thủ công mỹ nghệ như đồ đan lát, áo phông, cắt hình nghệ thuật làm các lưu niệm mang hình tượng cầu Ngói. Ngoài ra các dịch vụ khác như chụp ảnh, bán các đặc sản khác của địa phương như: Rượu Kim Sơn, gỏi nhệch, gạo thơm, hải sản cũng được đóng gói với bao bì đẹp gắn liền với thương hiệu Cầu Ngói. Các đồ lưu niệm này vừa tăng thêm doanh thu vừa có tác dụng quảng bá hình ảnh Cầu Ngói khắp nơi, đồng thời thỏa mãn được tâm lý tiêu dùng của khách du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét