Văn miếu Mao Điền tọa lạc tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnhHải Dương (xưa là xã Mao Điền, tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng), là một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam (Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội; Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên; Văn miếu Mao Điền, Hải Dương; Văn miếu Bắc Ninh; Văn thánh miếu Huế; Văn miếu Vĩnh Long...).
Văn miếu Mao Điền được khởi dựng vào thời Lê Sơ (1428-1527), nguyên được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa. Nhưng vào thời nhà Mạc(1527-1592), tại đây đã được bốn lần tổ chức thi đại khoa.
Đến thời Tây Sơn (1778 -1802), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, triều đình đã chuyển Văn miếu thờ Khổng Tử từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) về sáp nhập với trường thi Hương ở xã Mao Điền, tạo thành một trung tâm văn hóa lớn thời bấy giờ.
Văn miếu Mao Điền (gồm Văn Miếu và trường thi Hương) có diện tích khoảng 3,6 ha với một tổng thể kiến trúc cân đối, bề thế, uy nghi, bao gồm các hạng mục:
- Tam quan: cổng chính hai tầng, lợp mái ngói. Phía trước mặt cổng chính được trang trí hoa văn họa tiết rất đẹp. Hai cổng phụ được thiết kế theo kiểu vòm cuốn;
- Lầu chuông, lầu trống: hai tầng, tám mái được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, có hình dáng giống nhà Thủy đình;
- Nhà giải vũ: Hai dãy nhà, mỗi dãy 5 gian nằm ở hai phía Đông, Tây, đối diện nhau nên còn gọi là nhà Đông vu, Tây vu;
- Hai toà nhà lớn Bái đường và Hậu cung, mỗi tòa 7 gian, mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng rất tinh xảo. Trước kia, Bái đường là nơi lễ bái của các bậc quan trường, học giả. Hiện nay, đây là nơi đặt bàn thờ bát nhang công đồng, lư hương bằng đá (trên bàn thờ công đồng) và khánh đá từ thời Tây Sơn. Ở bức tường hai bên có treo bảng danh sách 637 vị tiến sĩ quê ở trấn Hải Dương xưa. Hậu cung là nơi thờ chín vị: Khổng Tử ở chính giữa, lần lượt hai bên là 8 vị Đại khoa Nho học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến: Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Thần toán Vũ Hữu, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nghi Ái quan - Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ duy nhất của nước ta thời phong kiến;
- Tháp Bút, đài Nghiên;
- Hai hồ nước trong xanh in bóng cây gạo hàng trăm năm tuổi…
Lối vào chính với lầu chuông và lầu trống hai bên, phía sau là nhà Bái Đường
Bên trong nhà Bái Đường
Bên trong Hậu Cung
Hồ nước phía trước và cây gạo hàng trăm tuổi
Tại miền Bắc Việt Nam, Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Công trình mới được tôn tạo lại năm 2002.
Trong quá trình tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước.
Công trình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét