- Mỗi di tích còn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay đều gắn liền với một giai đoạn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Thành cổ Sơn Tây xưa kia được xây dựng để bảo vệ vùng đất phía Tây Bắc Thăng Long, nơi đây cũng từng gắn với biết bao thăng trầm lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, tọa lạc giữa thị xã Sơn Tây chính là tòa thành cổ được xây dựng bằng đá ong duy nhất ở Việt Nam. Thành được xây dựng vào năm 1822 dưới thời Minh Mạng thứ 3, đến năm 1883 thì thất thủ vào tay quân Pháp. Theo thư tịch cổ, thành có chu vi 326 trượng 7 thước, tường cao 1 trượng 4 thước, chu vi hào nước 448 trượng. Trong hồi ký tháng 4 năm 1884 của một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp có mô tả: “…cách sông Hồng khoảng 2 cây số. Thành có kiểu hình vuông, mỗi cạnh dài 500m. Một bức tường bao quanh, xây gạch cao 5m. Một cái hào nước rộng khoảng 20m bao quanh thành lũy, hết hào nước là một con đường để đi tuần tra, ngăn cách giữa hào nước với tường thành. Những người An Nam gọi đó là đường voi (tượng đạo, đường để voi đi). Ở giữa bề mặt của mỗi bức tường thành có một nửa tháp hình bán nguyệt đường kính 30m, bố trí nhiều lỗ châu mai…”
Dấu thời gian in trên thành cổ. Nguồn: internet |
Trước đây, Sơn Tây được xem là một trong “Tứ trấn” che chở đất Thăng Long (gồm Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam). Bên trong bảo vệ Bắc thành, bên ngoài làm bàn đạp, hậu cứ để triều đình bảo vệ biên cương. Do đó, nhà Nguyễn đặt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đóng tại thành Sơn Tây để giữ yên cả một vùng rộng lớn.
Thành Sơn Tây được thiết kế theo kiến trúc Vauban với 4 cửa quay ra 4 hướng, tổng thể hình vuông. Trải qua gần 200 năm, chịu sự tàn phá của chiến tranh, sự bào mòn theo thời gian, tường thành bằng đá ong đã không còn nguyên vẹn hình dáng như xưa nhưng những dấu tích còn sót lại vẫn đủ để hậu thế phải ngưỡng vọng. Bước qua chiếc cầu bắc ngang hào nước và rẽ sang bên trái, du khách sẽ đến với cửa chính của thành (hay còn gọi là cửa Tiền, cổng phía Nam). Một điểm đặc biệt ở đây là hình ảnh cây bồ đề hàng trăm năm tuổi với rễ vươn chằng chịt bọc lấy lớp gạch nung vừa tạo thành hợp thể vững chắc chống chọi với thời gian, mưa bão, vừa để du khách thỏa sức tưởng tượng những hình thù kỳ lạ.
Vẻ đẹp nên thơ của khung cảnh thiên nhiên thành cổ. Nguồn: internet |
Bước dọc theo con đường bao quanh tường thành, chúng ta có thể thảnh thơi nghe tiếng chim hót ríu rít trong những tán cây cổ thụ xòe bóng mát rượi. Tường thành chỗ màu nâu đỏ của đá ong, chỗ thì cây dại mọc kín tạo thành nét cổ kính đến ngỡ ngàng. Mặc dù không tách biệt hẳn với phố xá nhưng chỉ cần đi vào khuôn viên của thành đã cảm thấy một bầu không khí yên ả, trong lành, cách xa sự ồn ào náo nhiệt. Hết con đường men theo hào nước, du khách có thể quay về cổng chính tham quan phía trong thành. Ấn tượng đầu tiên trước mắt chính là cột vọng lâu với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới - biểu tượng cho ý chí kiên cường và niềm tự hào dân tộc. Cột vọng lâu này cao 18m, chỉ đứng thứ hai sau cột cờ Hà Nội. Trong khoảng sân rộng là hai giếng nước xanh ngắt điểm xuyết màu trắng, hồng của những bông sen, bông súng. Qua cột vọng lâu, du khách sẽ vào thăm điện Kính Thiên. Điện hiện còn khá nguyên vẹn với 5 gian nhà chính, phía trên có tám mái chồng diêm. Nơi đây xưa kia từng là nơi làm việc của các vua, chúa triều Nguyễn mỗi dịp đi du hành, du tuần. Bao quanh sân điện là những bức tường đá thấp được chạm khắc công phu, tinh xảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét